1. Độ pH là gì?
Tính chất hóa học của mọi chất nằm ở đâu đó trên thang pH giữa acid và bazơ (kiềm). Thang đo pH nằm trong khoảng từ 0-14, với 0 là acid nhất, 7 là trung tính và 14 là tính kiềm nhất.
Theo ThS. BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Nồng độ pH là nồng độ ion H+ ở trong một môi trường nhất định. Nồng độ pH quy định hằng định nội môi trong cơ thể mang tính acid hay bazơ.
Cân bằng độ pH của các bộ phận khác nhau trên cơ thể rất quan trọng đối với quá trình tiêu hóa, chống nhiễm trùng và các chức năng khác. Dạ dày của bạn có tính acid, giúp nó phân hủy thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Các bộ phận khác của cơ thể bạn ít acid hơn.
2. Mức độ pH âm đạo điển hình là bao nhiêu?
Độ pH của âm đạo vào khoảng 3,8-4,5, có nghĩa là nó có tính acid. Âm đạo tự nhiên là nơi cư trú của các loại vi khuẩn sản xuất acid lành mạnh khác nhau. Tính acid của âm đạo hằng định là pH acid để đảm bảo vấn đề chuyển hóa và bảo vệ cơ thể. Để tránh bị khô và duy trì sự cân bằng hóa học, âm đạo của bạn cũng thường xuyên tiết dịch. Chất lỏng đó chứa acid. Acid tiêu diệt vi khuẩn có hại, ký sinh trùng và nấm.
Cũng theo BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy, bất cứ khi nào môi trường âm đạo vượt qua mức 3,8-4,5 thì các vi khuẩn xấu tồn tại sẵn trong âm đạo sẽ phát triển. Khi mất cân bằng pH thì vi khuẩn có lợi không sinh sôi được và mất acid lactic.
3. Điều gì gây ra độ pH âm đạo không cân bằng?
Độ pH âm đạo có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe hiện có, lối sống và các yếu tố khác.
- Chu kỳ kinh nguyệt: Bạn đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh hay chưa và nếu bạn đang mang thai đều có thể ảnh hưởng đến mức độ pH âm đạo của bạn.
- Thuốc: Thuốc kháng sinh làm tăng độ pH âm đạo của bạn vì nó tiêu diệt tất cả vi khuẩn, cả tốt và xấu. Thuốc tránh thai cũng có thể thay đổi độ pH âm đạo đối với một số người, điều này có khả năng dẫn đến nhiễm trùng.
- Thụt rửa: Thụt rửa là phương pháp làm sạch bên trong âm đạo bằng ống hoặc dụng cụ khác. Nó khác với việc rửa bên ngoài vùng âm đạo của bạn bằng xà phòng và nước. Quá trình này có thể làm tăng độ pH âm đạo của bạn.
- Chất bôi trơn: Chất bôi trơn làm giảm tình trạng khô rát âm đạo khi quan hệ tình dục. Một số sản phẩm bôi trơn có độ pH cao hơn 4,5. Độ pH cao hơn này sẽ tiêu diệt vi khuẩn khỏe mạnh và dẫn đến nhiễm trùng.
4. Triệu chứng mất cân bằng pH âm đạo
Độ pH âm đạo mất cân bằng dễ dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn và các vấn đề sức khỏe khác. Mặc dù sự mất cân bằng âm đạo thường không có triệu chứng nhưng cân bằng pH âm đạo có thể bị mất nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng thông thường. Một số triệu chứng này bao gồm:
- Mùi hôi hoặc tanh từ âm đạo.
- Dịch tiết âm đạo màu xám, xanh lá cây hoặc có bọt.
- Ngứa xung quanh âm đạo.
- Sưng và kích ứng xung quanh âm đạo.
- Đau hoặc cảm giác nóng rát âm đạo khi quan hệ tình dục.
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
Đây là những triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng Trichomonas hoặc nhiễm trùng nấm men.
5. Cách duy trì độ pH âm đạo cân bằng
BS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết: Trong âm đạo có những vi khuẩn có lợi giúp chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo luôn giữ được tính acid. Môi trường âm đạo khỏe mạnh sẽ chống lại viêm nhiễm rất tốt. Bạn có thể thực hiện các bước đơn giản để duy trì mức độ pH âm đạo khỏe mạnh và tránh nhiễm trùng như sau.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Giống như âm đạo, dương vật có vi khuẩn riêng. Quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu những vi khuẩn này tiếp xúc với môi trường âm đạo. Sử dụng bao cao su sẽ ngăn vi khuẩn và vi trùng khác trên bề mặt dương vật không xâm nhập vùng âm đạo.
- Tránh thụt rửa: Thay vào đó, hãy rửa khu vực xung quanh âm đạo bằng xà phòng và nước.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Nhiều loại sữa chua rất giàu vi khuẩn sống trong âm đạo của bạn. Tránh thực phẩm có đường, đã qua chế biến như bánh mì trắng và gạo trắng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men.
- Mặc quần áo phù hợp: Quần áo chật làm giảm lưu lượng không khí đến âm đạo và dẫn đến viêm âm đạo. Nên mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, ống quần rộng rãi và loại quần có vùng thoát khí xung quanh vùng âm đạo.
6. Cần làm gì nếu pH âm đạo không cân bằng?
Độ pH âm đạo mất cân bằng do nhiễm trùng có thể dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn. Viêm âm đạo không được điều trị làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu, vô sinh và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs).
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng mất cân bằng pH âm đạo, dưới đây là những việc bạn nên làm:
- Tiến hành kiểm tra độ pH. Bạn có thể mua một bộ dụng cụ tại nhà để kiểm tra độ pH âm đạo của mình. Những bộ dụng cụ này đi kèm với giấy đặc biệt để đưa vào âm đạo của bạn trong một thời gian ngắn và một biểu đồ màu. Giấy thay đổi màu sắc dựa trên độ pH âm đạo của bạn.
- Xét nghiệm sẽ không cho bạn biết bạn có thể bị nhiễm trùng cụ thể nào. Độ pH âm đạo của bạn cũng có thể thay đổi ngay cả khi bạn không bị nhiễm trùng.
- Nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể chẩn đoán những bệnh nhiễm trùng có liên quan đến pH âm đạo khi hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng và kiểm tra, thăm khám âm đạo của bạn. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và các phương pháp điều trị khác để giảm bớt các triệu chứng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
3 vị trí đau cảnh báo ung thư cổ tử cung.