Mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra nhiều nơi
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội Vũ Duy Hưng, hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
Tỷ số giới tính khi sinh của TP Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.
Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, đây là một việc làm hết sức nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền TP Hà Nội luôn hướng tới, luôn dành những gì tốt đẹp nhất.
Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn thành phố và các hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...
Chia sẻ tại hội thảo gần đây về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Hiện tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội tại nước ta đều có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc.
Như vậy, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị phát triển mà còn cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Cục Dân số cũng cho hay mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn tới dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới. Điều này khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034.
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo TS.BS. Vũ Duy Hưng bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước.
Bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn. Thông điệp ý nghĩa này nhằm mục đích kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ.
"Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai" – TS.BS Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Cục Dân số, Bộ Y tế đã chỉ ra một số giải pháp như tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới…
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam khinh nữ".
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên dưới 109. Cục Dân số nhận định mục tiêu này rất khó khăn, khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.