Mất cân bằng giới tính khi sinh: Kinh nghiệm ứng phó của Hàn Quốc

27-11-2021 21:51 | Xã hội

SKĐS - Đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc về mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở các nước châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cách đây từ 20 – 30 năm. Sự mất cân bằng này đã tạo ra những hệ lụy của sự thiếu hụt các cô dâu hiện nay ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Các nước Trung Quốc, Ấn Độ dù có nhiều biện pháp rất quyết liệt song tỉ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao.

Theo PGS.TS. Heeran Chun, Đại học Jungwon Hàn Quốc, những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối… phát triển cùng với quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp đã đưa tỉ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh.

Mất cân bằng giới tính khi sinh – kinh nghiệm từ Hàn Quốc và bài học của Việt Nam - Ảnh 1.

Trẻ gái cần được yêu thương, tôn trọng và bình đẳng với trẻ trai.

Sự tăng bất thường của tỉ số giới tính khi sinh lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100. Tỉ số giới tính khi sinh cũng có sự khác biệt lớn theo thứ tự của đứa trẻ khi sinh.

Ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, sự mất cân bằng này chưa rõ rệt, nhưng ở lần sinh thứ ba và thứ tư, tỉ số này có sự gia tăng lớn. Vào những năm 1990, có thời điểm tỉ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ ba lên tới 200/100 và ở con thứ tư trở lên, tỉ số này là 240/100.

Trước sự gia tăng bất thường và nhìn thấy rõ hệ lụy của vấn đề thừa nam, thiếu nữ, Chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này:

- Cấm xác định giới tính thai nhi theo Luật Y tế năm 1987 (sửa đổi năm 1994); hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai, con gái đều được thừa hưởng như nhau; Luật Y tế được sửa đổi 1994 có biện pháp mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.

- Tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

- Chú trọng dạy và nâng cao đạo đức nghề nghiệp với sinh viên y khoa trong việc thực hiện nạo phá thai vì lý do giới tính; tạo dựng hệ thống hỗ trợ người cao tuổi; nâng cao vị thế và trao quyền năng cho phụ nữ được tiến hành đồng bộ.

Những năm 1980, Hàn Quốc có khẩu hiệu: "Sinh hai con để có cuộc sống tốt đẹp hơn, không lo lắng về giới tính của con cái!".

Giai đoạn 1990 – 2000 những khẩu hiệu: "Nuôi 1 con gái lớn lên bằng 10 con trai", "Hãy yêu con gái của bạn" được người dân Hàn Quốc đón nhận.

Nhờ những nỗ lực đó, tỉ lệ giới tính khi sinh đã giảm kể từ giữa những năm 1990, đến năm 2010, tỉ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc đã gần đạt mức bình thường là 106,9.

Hàn Quốc gần như đã chuyển hẳn sang văn hóa trọng nữ từ chế độ gia trưởng và một nền văn hóa trọng nam có gốc rễ từ xa xưa.

Một số giải pháp ứng phó ở nước ta

Theo TS Tạ Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia, từ những kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc trong ứng phó với tình trạng MCBGTKS, Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Cần điều tra tìm hiểu, xác định rõ diễn biến cũng như các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam, trên cơ sở đó có được các căn cứ khoa học để xây dựng chính sách can thiệp giải quyết MCBGTKS;

Mất cân bằng giới tính khi sinh – kinh nghiệm từ Hàn Quốc và bài học của Việt Nam - Ảnh 3.

Tăng cường truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS có liên quan đến rất nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, đặc biệt là các yếu tố tập tục, văn hóa truyền thống vốn ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng xã hội nên cần có hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, giáo dục kết hợp với pháp luật.

- Nguyên nhân sâu xa của MCBGTKS chính là sự bất bình đẳng giới sâu sắc, do vậy cần triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội;

- Đảm bảo sẵn sàng các nguồn lực, đặc biệt là đầu tư tài chính đầy đủ để triển khai thực hiện các chính sách nhằm giải quyết MCBGTKS. Đặc biệt, cần có các cơ chế tài chính hỗ trợ để nâng cao vị thế của trẻ em gái và phụ nữ;

- MCBGTKS là vấn đề xã hội phức tạp, có tính liên ngành rất cao, do vậy cần thiết tăng cường xã hội hóa trong giải quyết vấn đề, đặc biệt là tăng cường phối hợp, mở rộng sự tham gia với các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ cùng tham gia...

Tóm lại, cùng là vấn đề MCBGTKS, tuy nhiên mỗi nước lại có cách giải quyết riêng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, phong tục, tập quán của quốc gia mình. Bài học kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc giúp chúng ta xây dựng cách ứng phó của Việt Nam tốt hơn, phù hợp hơn, nhằm sớm giải quyết được tình trạng này, sớm đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Triển khai tiêm vaccine.

Mai Hương
Ý kiến của bạn