Hà Nội

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng

09-11-2018 08:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Mất cân bằng giới tính khi sinh đặt ra nhiều hệ lụy cho xã hội nhưng tình trạng này ở nước ta đã ở mức nghiêm trọng với tỷ lệ số trẻ trai/trẻ gái ước tính năm 2018 ở mức 112,8/100.

Mất cân bằng giới tính tăng nhanh

Việt Nam nằm trong nhóm 13 trên tổng số 200 quốc gia đang diễn ra tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh cao nhất thế giới. Ở nước ta, mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện năm 2006 nhưng lại tăng nhanh. Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104-106 bé trai, nhưng trong cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỉ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 112,2. Trong đó, các địa phương có sự mất cân bằng cao là Quảng Ninh, Nam Định, Hòa Bình, Hưng yên, Hải Phòng, Quảng Ngãi...

Nguyên nhân của tình trạng này sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, định kiến về giới, coi trọng con trai với tư tưởng nối dõi tông đường, xem thường giá trị phụ nữ... Ở nước ta, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có đặc điểm là diễn ra nghiêm trọng nhất ở nhóm kinh tế khá giả và tăng dần theo trình độ học vấn bởi phụ nữ có trình độ học vấn cao, có điều kiện kinh tế biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và điều chỉnh số con mong muốn.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọngMất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Hệ lụy từ mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy. Trong phạm vi gia đình là sự bất hòa giữa vợ chồng, thiếu bền vững và là nguy cơ dẫn đến ly hôn, đói nghèo... Với xã hội, tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề như tỷ lệ tảo hôn, ly hôn, tái hôn tăng cao, gia tăng tình trạng bạo hành giới, bạo lực gia đình, mua dâm, mua bán phụ nữ... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ và trẻ em gái về sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Vì vậy, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Về lâu dài, mất cân bằng giới tính sẽ dẫn tới những khó khăn về cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm... Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ, nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Các chuyên gia lĩnh vực dân số cho biết, nếu tình trạng mất cân bằng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Còn theo dự báo gần nhất của Tổng cục Thống kê, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Làm gì để khắc phục tình trạng này?

Trong thời gian qua, nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đã được áp dụng nhưng chưa hiệu quả bởi phần lớn chỉ mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Do đó, biện pháp căn bản cần kiên trì thực hiện là thay đổi tư duy của người dân bằng các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi như tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, cụ thể là thừa nam, thiếu nữ, tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình hay không lựa chọn giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật...


Lê Phương
Ý kiến của bạn