Mất cân bằng giới khi sinh có sự khác biệt giữa các vùng miền

25-11-2021 16:33 | Xã hội

SKĐS - Theo phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, có sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền trên cả nước. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã lan rộng trên cả nước, xuất hiện ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Mất cân bằng giới theo vùng địa lý và nhóm dân số

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh hơn so với một số nước châu Á. Tỷ số giới tính khi sinh có diễn biến khá phức tạp và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng miền trong cả nước.

Cụ thể, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ này ở khu vực thành thị thấp hơn nông thôn. Tỉ số giới tính khi sinh tại các vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng là 115.2, cao hơn so với khu vực thành thị là 112.8. Vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng ghi nhận tỉ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình. Tỉ số giới tính khi sinh thấp hơn ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Khác biệt mất cân bằng giới khi sinh giữa các vùng miền - Ảnh 1.

Mất cân bằng giới tính khi sinh giữa các vùng miên là rất lớn.

Xét ở phạm vi vùng kinh tế-xã hội, năm 2019, chỉ có đồng bằng sông Cửu Long có tỷ số giới tính khi sinh ở ngưỡng an toàn (106,9 bé trai/100 bé gái) nhưng cũng đang gần tiệm cận với mức mất cân bằng trên 107. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cũng trong số liệu này cho thấy tại Việt Nam, tỉ số giới tính khi sinh ở lần sinh đầu tiên đã tương đối cao (ở mức 110) và tiếp tục gia tăng ở những lần sinh sau. Ngoài ra, tỉ số giới tính khi sinh cao hơn ở các gia đình chưa sinh được con trai, lên đến 140 nếu trước đó đã sinh liên tiếp hai hoặc nhiều hơn hai con gái (lần sinh 3 và 4+).

Với kết quả dao động từ 109 cho đến 219 bé trai trên 100 bé gái ở lần sinh cuối cùng, hai vùng phía Bắc thậm chí ghi nhận tỷ số giới tính hơn 204 bé trai trên 100 bé gái ở lần sinh cuối, trong khi đó ở miền Nam con số này thấp hơn (125).

Như vậy, xét ở mọi khía cạnh tỉ số giới tính khi sinh ở các vùng phía Bắc cao hơn hẳn các vùng phía Nam.

Tâm lý ưa thích con trai ở những người giàu

Sự khác biệt về tỉ số giới tính khi sinh theo tình trạng kinh tế - xã hội của hộ dân cư. Điều đáng kể là kết quả của số liệu trước đây cho thấy, tỉ số giới tính khi sinh gia tăng ở những nhóm nghèo nhất, nhưng số liệu của năm 2019 lại cho thấy tỉ số giới tính khi sinh cao hơn ở nhóm có trình độ học vấn và tình trạng kinh tế-xã hội cao… Ví dụ, tỉ số giới tính khi sinh trong nhóm nghèo nhất là 108.2 so với 112.9 ở nhóm giàu nhất.

Với những gia đình đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Nhưng đối với cha mẹ đã có hai con trai, hoặc đã "đủ nếp đủ tẻ", tỷ lệ này chỉ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi. Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc và trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn.

Sẽ dư thừa nam giới trong nhiều thập kỷ

Sự mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh sẽ để lại những tác động lâu dài đến cấu trúc dân số của đất nước. Với sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến dư thừa nam giới khi trưởng thành.

Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới do hầu hết số người trưởng thành trong tương lai đều đã ra đời. Nếu tỉ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam thanh niên sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu tỉ số giới tính khi sinh giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.

Khác biệt mất cân bằng giới khi sinh giữa các vùng miền - Ảnh 3.

Nếu không can thiệp sớm, sẽ dư thừa nam giới trong nhiều thập kỷ tới.

Đối với người trưởng thành từ 15-49 tuổi, sẽ có 1.5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và con số này có thể tiếp tục tăng lên đến gần 2.5 triệu người vào năm 2059 (tương ứng với 9.5% dân số nam) nếu tỉ số giới tính khi sinh không giảm.

Các can thiệp nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh

Trước hết, cần phát động các chiến dịch giáo dục nhằm đề cao giá trị của trẻ em gái đối với tâm lý thích có con trai.

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ các khung pháp lý và chính sách hiện hành nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cấm lựa chọn giới tính trước khi sinh; ngăn chặn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sử dụng hợp lý công nghệ hỗ trợ sinh sản.

- Giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử về giới, bao gồm các các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực giới, hôn nhân và lựa chọn sinh sản, và thừa kế.

- Ban hành các chính sách liên quan đến mức sinh phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD). Theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn một cách tự do và có trách nhiệm về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.

- Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá nhằm đánh giá các can thiệp về tỉ số giới tính khi sinh và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

- Giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và những nguy cơ khi mất cân bằng giới trong tương lai gần…

Mời độc giả xem thêm video:

Tặng bằng khen của Thủ tướng cho 138 cá nhân xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn