Hà Nội

Mất cả quả thận chỉ vì một viên sỏi

24-08-2023 15:55 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân tự ý mua thuốc nam trên mạng về uống với mong muốn sỏi thận tự tan. Tuy nhiên, viên sỏi thận đã khiến người bệnh mất luôn một bên thận.

Vừa qua, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an liên tiếp phẫu thuật cho 2 bệnh nhân đều phải cắt thận phải do mất chức năng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thận mất chức năng chỉ vì một viên sỏi thận.

Bệnh nhân N.T.K.D (48 tuổi) và bệnh nhân N.B.B (66 tuổi) đều sinh sống ở Hà Nội. Hai bệnh nhân này biết mình có sỏi thận từ lâu nhưng vì không thấy đau nhiều nên chủ quan không điều trị. Thay vì đi khám, bệnh nhân tự ý dùng thuốc nam với mong muốn sỏi thận sẽ tự tan. Thời gian gần đây khi thấy sức khỏe yếu đi, đau tức nặng hố thắt lưng phải âm ỉ, liên tục, bệnh nhân này mới chịu đi khám.

Mất cả quả thận chỉ vì một viên sỏi  - Ảnh 1.

Bệnh nhân phải cắt bỏ một bên thận chỉ vì không điều trị sỏi thận.

Tại Phòng khám Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện 19-8, sau khi được khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán thận phải giãn ứ nước độ 4 mất chức năng do sỏi vị trí khúc nối bể thận niệu quản. Phương pháp điều trị bắt buộc là phải cắt bỏ quả thận hỏng đi.

Cả 2 bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi cắt thận phải. Hiện, tình hình sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và ra viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Trần Thành - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện 19-8, sỏi tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến nhưng không được chủ quan vì nếu sỏi ở vị trí tắc nghẽn sẽ gây nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Các bệnh nhân cần được tầm soát, khám, điều trị sỏi tiết niệu tại các cơ sở y tế uy tín và khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu có kinh nghiệm.

Mất cả quả thận chỉ vì một viên sỏi  - Ảnh 2.

ThS.BS Nguyễn Trần Thành cảnh báo người dân không nên điều trị sỏi thận bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Việc uống không đủ nước, chế độ sinh hoạt không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều đạm...), sử dụng thuốc sai cách... có thể dẫn tới nguy cơ mắc sỏi thận. Những người có nguy cơ mắc sỏi tiết niệu nên khám định kỳ ít nhất 2-3 tháng/ lần bằng những xét nghiệm đơn giản như: Siêu âm bụng, X-quang hệ tiết niệu, nước tiểu, công thức máu, sinh hóa máu,… để phát hiện tình trạng bệnh kịp thời.

Khi sỏi tiết niệu có chỉ định phẫu thuật cần can thiệp sớm để tránh biến chứng đáng tiếc. Hiện nay có rất nhiều phương pháp can thiệp sỏi tiết niệu ít xâm lấn như: Nội soi ống mềm, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi, nội soi lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể… với tổn thương tối thiểu, hiệu quả tối đa, mang lại nhiều lợi ích và sự lựa chọn cho người bệnh.

Khi có dấu hiệu đau lưng hoặc vùng thắt lưng, dưới mạn sườn, đau khi đi tiểu, tiểu són, bí tiểu... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để đáng tiếc như 2 bệnh nhân trên.

Xem thêm video được quan tâm:

4 Sai lầm khi pha nước chanh rước bệnh vào người | SKĐS


Kim Dung
Ý kiến của bạn