Việc bổ sung canxi là rất cần thiết và có lợi, tuy nhiên nếu lạm dụng và dùng không đúng cánh có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Hoại tử tay do tự truyền canxi
Bệnh nhân Tr.Th.H (45 tuổi, Nam Định) trong một lần đo canxi từ “máy đo dạo” mật độ xương ở bàn chân, cho kết quả là chị bị loãng xương độ 3. Mặc dù chưa đi khám lại ở bệnh viện, chuyên khoa cơ xương khớp mà mới chỉ nghe “tư vấn” từ người bán hàng, chị đã vội vàng mua thuốc bổ sung canxi dạng tiêm và mời y tá xã đến tiêm truyền tại nhà. Tuy nhiên, việc tiêm truyền đã dẫn tới hậu quả là tay của chị H. đã bị tím đen, phải đến Viện Tim mạch Quốc gia điều trị. Cuối cùng, các bác sĩ buộc phải tháo khớp cho bệnh nhân để tránh hoại tử lan xa. Đối với việc tiêm truyền canxi tại nhà như trường hợp bệnh nhân này là việc làm trái với quy định và hậu quả thì bệnh nhân đã phải gánh chịu.
PGS. Đinh Thị Thu Hương (Viện Tim mạch Quốc gia) cho biết, việc tiêm canxi bị chệch ven và xảy ra biến chứng như trường hợp nữ bệnh nhân này sẽ dẫn tới hoại tử và không có cách nào khác là phải cắt bỏ phần chi. Bệnh nhân đang từ người bình thường, phải trải qua những điều trị tốn kém, đau đớn và cuối cùng buộc phải mất đi một phần cơ thể. PGS. Hương trăn trở: Đây không phải là bệnh nhân đầu tiên và chắc rằng cũng chưa phải là bệnh nhân cuối cùng gặp phải tai nạn này. Mỗi năm không hiếm các trường hợp bị biến chứng do tiêm truyền tại nhà. Không chỉ tiêm canxi, mà việc tiêm truyền dịch hiện nay đang bị lạm dụng cũng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là nguy hiểm tính mạng cho người bệnh. Do rất nhiều người dân có “nhu cầu” được tiêm truyền một cách quá dễ dãi, hễ hơi mệt là muốn được tiêm truyền, từ bù dịch cho tới bổ sung vitamin, đến truyền canxi... Và khi có cầu, ắt có cung, các dịch vụ tiêm truyền này đều được dễ dàng thực hiện tại nhà bởi y tá hoặc tại các phòng khám tư nhân. Đã có khá nhiều ca tử vong từ các phòng khám tư nhân do lạm dụng tiêm truyền.
Trường hợp bàn tay bị hoại tử do truyền canxi.
Với mỗi loại thuốc, phụ thuộc vào tác dụng dược lý, sẽ có các đường dùng khác nhau. Đối với đường tiêm truyền phải được thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Trong điều trị loãng xương, PGS. Hương nhấn mạnh, việc tiêm truyền đường tĩnh mạch là một chỉ định chỉ được thực hiện tại bệnh viện và nên do bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp thực hiện, không được phép tiêm tại nhà.
Điều trị loãng xương có dễ?
Tại Việt Nam có khoảng 2,8 triệu người bị loãng xương, trong đó 76% là nữ giới. Đây là bệnh lý xương khớp khá nguy hiểm do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể dẫn đến nhiều biến chứng ở người bệnh. Hiện tại có rất nhiều thuốc và thực phẩm chức năng được sử dụng để điều trị và bổ sung cho tình trạng loãng xương. Nhưng có 3 nhóm thuốc chính được sử dụng chính hiện nay: Thuốc bổ sung canxi, thuốc chống hủy xương và thuốc kích hoạt tạo xương. Dù dùng biện pháp nào, thì mục tiêu điều trị loãng xương đều hướng tới việc giảm thiểu đến mức tối đa nguy cơ gãy xương hoặc tái gãy xương ở người bị loãng xương, nhất là người già với biến chứng hay gặp là gãy cổ xương đùi; giảm mật độ xương đồng thời tăng khối lượng xương (làm chậm quá trình tiến triển của bệnh loãng xương); nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị loãng xương; giảm nguy cơ tử vong do bệnh loãng xương gây ra.
Bản chất của loãng xương không gây ra cái chết tức khắc cho người bệnh, nhưng biến chứng gãy cổ xương đùi chính là con đường dẫn đến tử vong của nhiều người bệnh nhất là nam giới... Chính từ những nguy cơ đó, mà nhu cầu được điều trị bệnh loãng xương là chính đáng và rất lớn, nhưng không hề dễ.
PGS. Đinh Thị Thu Hương cho biết, đối với mỗi trường hợp bệnh nhân lại có phác đồ điều trị loãng xương khác nhau. Việc điều trị như thế nào, dùng thuốc loại gì, thì còn tùy thuộc về mức độ loãng xương, giai đoạn loãng xương, các bệnh gây ra tình trạng loãng xương; tình trạng các bệnh khác kèm theo ở mỗi bệnh nhân... Chẳng hạn, cùng giới tính, cùng lứa tuổi, cùng mức độ loãng xương, nhưng đối với bệnh nhân đang mắc sỏi thận thì phác đồ sẽ phải điều trị khác so với bệnh nhân không bị sỏi thận. Đó là một trong nhiều lý do mà mỗi bệnh nhân lại có những chỉ định dùng thuốc điều trị loãng xương khác nhau. Hơn nữa, để chẩn đoán tình trạng loãng xương, bệnh nhân cần được đo bằng máy đo toàn thân chuyên dụng tại bệnh viện và làm thêm các xét nghiệm máu... do bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp thực hiện, chứ không chỉ bằng máy “đo dạo” bàn chân mà có thể chẩn đoán tình trạng loãng xương và chỉ định việc dùng thuốc điều trị loãng xương được.
Loãng xương cũng là một bệnh và cần phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Do đó, với mỗi bệnh nhân mong muốn được bổ sung canxi, thì hãy đến với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn một cách an toàn và hiệu quả nhất. Chớ nên nghe theo tư vấn từ bất kỳ ai (kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cơ - xương - khớp), đặc biệt là không được nghe theo những người mang theo chiếc máy đo loãng xương bàn chân đi khắp nơi, với mục đích bán thuốc bổ sung canxi (hoặc thực phẩm chức năng) “tư vấn”, mà tiền mất còn chuốc họa vào thân như bệnh nhân nêu trên.