Thật - giả lẫn lộn
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan bất ngờ kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.200 điếu xì-gà mang nhiều thương hiệu khác nhau do nước ngoài sản xuất nhưng chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xì-gà với số lượng hơn 42.000 điếu các loại. Sau các vụ việc trên, không ít người tiêu dùng đã bày tỏ sự nghi ngờ, lo lắng về chất lượng của xì-gà đang được bày bán trên thị trường.
Hiện nay, lợi dụng nhu cầu sử dụng xì gà ngày càng nhiều của một bộ phận người dân nên một số người đã chớp cơ hội này tìm các nguồn nhập xì-gà từ Cuba hay các nước châu Âu như: Đức, Thuỵ Sĩ, Pháp, Nga và cả Trung Quốc về Việt Nam. Khảo sát tại một số cửa hàng bán xì-gà tại Hà Nội, có thể thấy, mặt hàng này khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, có hộp 3 điếu, 6 điếu, 10 điếu... tùy theo nhu cầu của khách hàng. Giá cả cũng khá đa dạng, từ vài trăm đến hàng triệu đồng/điếu. Đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm đang bày bán được giới thiệu là hàng xách từ nước ngoài. Anh Thế Vĩnh (Hàng Bài, Hà Nội), một người sành về xì-gà cho rằng, hiện trên thị trường Việt Nam xì-gà được bán tràn lan và thường được quảng cáo là từ Cuba hoặc hàng châu Âu xách tay về, nhưng thực chất rất nhiều hàng được sản xuất ngay tại Việt Nam hoặc nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về nên không đạt chất lượng. Ví dụ một hộp Cohiba 54 có 10 điếu đang được chào bán trên thị trường với giá khoảng 20 triệu, với giá này mua tại Cuba cũng không được, do vậy khó có thể biết được thực sự chất lượng của loại xì-gà này.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xì-gà.
Cần kiểm soát chặt
Được biết, nhằm tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép xì-gà, từ cuối tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã đưa xì-gà vào danh mục những mặt hàng cần “kiểm soát đặc biệt”. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường. Đồng thời chủ động tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ xì-gà nhập lậu trong nội địa và các giao dịch mua bán trái phép qua mạng internet, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh vào các địa bàn, đối tượng trọng điểm để tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu ở các tỉnh thành như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có công điện về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì-gà. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì-gà diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn và các tỉnh trọng điểm. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính cần chỉ đạo lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xì-gà qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không và các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, khu vực biên giới đường bộ và trên biển để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xì-gà.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì-gà.
Luật sư Hoàng Huy Được - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP đã quy định về hàng hóa nhập lậu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng cũng được coi là hàng nhập lậu. Đối chiếu với quy định trên cho thấy, không ít mặt hàng “xách tay” là hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.
Để tránh tình trạng mất tiền oan, mỗi cá nhân nên mua xì-gà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi được gắn mác “xách tay”, điều này không chỉ vô tình tiếp tay cho những đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả mà tiềm ẩn sau đó là những nguy hại đến sức khỏe khi sử dụng những điếu xì-gà kém chất lượng.