Khi bạn bè đồng trang lứa chọn đi xuất khẩu lao động, làm công nhân khu công nghiệp hoặc đến thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp thì Nguyễn Thế Anh trú tại Gia Điền (Hạ Hòa, Phú Thọ) quyết định bám trụ lại mảnh đất quê hương kiếm kế sinh nhai để tiện chăm sóc cho gia đình.
Ngoài những lúc mùa vụ bận rộn, chàng trai 30 tuổi lại lặn lội bờ suối, cánh rừng tìm sản vật địa phương mang về bán để kiếm thêm thu nhập. Một trong những sản vật đặc sắc mà thiên nhiên ưu ái cho vùng trung du này là ong rừng.
Những loài ong lấy nhộng như ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vang…dù làm tổ trên ngọn cây hay đào hang dưới lòng đất đều có thể trở thành đặc sản trên bàn nhậu. Món đặc sản này có giá không hề rẻ, mang lại khoản thu nhập đáng kể cho Thế Anh. Đặc biệt là món này rất hút khách, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Khách từ nông thôn đến thành thị đều muốn mua về để thưởng thức.
" Hiện tại, đang là đầu mùa, nhộng ong được giá ở mức 300.000 đồng/kg, đắt ngang với thịt bò loại ngon trên thị trường ", Thế Anh giới thiệu.
Từ khoảng tháng 5 đến hết tháng 9 hàng năm là mùa ong. Khoảng thời gian này cũng là lúc Thế Anh bận rộn nhất khi liên tục phải trèo đèo lội suối để săn lùng, khai thác và cả nuôi ong lấy nhộng.
Từ tháng 5 đến tháng 7, giai đoạn ong bắt đầu làm tổ, chưa có nhộng, đây là lúc Thế Anh tập trung tìm kiếm, xác định vị trí từng tổ ong ở khắp các ngõ xóm, bìa rừng, thậm chí đi ra cả ngoài tỉnh. Đến thời điểm thích hợp anh sẽ bắt tổ ong, mang về nhà nuôi như nuôi ong mật.
“Ong vò vẽ, ong bắp cày rất hung dữ và có nọc độc, khi phát giác nguy hiểm chúng sẽ tấn công. Cũng có người chết vì bị ong đốt. Vì thế đi bắt ong phải vào buổi đêm, khi ong không nhìn rõ đồng thời phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, tránh ong đốt thì mới dám bắt tổ" , Thế Anh cho biết.
Có một giống ong vò vẽ (hay ong bầu) mà người địa phương gọi là ong bầu giời, thường làm tổ rất cao trên ngọn cây. Rất ít người dám mạo hiểm bắt những tổ ong này vì mặc bộ đồ bảo hộ mà trèo lên thân cây là vô cùng khó khăn, chưa kể gặp sự cố ngã xuống thì nguy hiểm tính mạng. Nhưng cũng không ít người bất chấp, liều mạng để kiếm được 1-2 triệu đồng từ tổ ong này.
Mấy năm kinh nghiệm săn ong rừng, cộng thêm với việc từ bé đã làm quen với tập tính của những loài ong nên việc bắt ong đối với Thế Anh không quá khó. Thậm chí, chàng trai 30 tuổi này còn thuần hóa chúng, mang tổ ong về gần nhà, tạo môi trường sống cho chúng để tiện bề trông nom và khai thác.
Người không có kinh nghiệm khi phát hiện thấy tổ ong thì đánh dấu vị trí và để nguyên trên rừng đến khi tổ ong đủ lớn mới mang lửa đến đốt, rồi lấy nhộng. Còn Thế Anh thì bắt tổ về nhà, với mỗi tổ anh có thể khai thác được 2-3 đợt nhộng, vì thế làm tăng giá trị kinh tế lên gấp 2-3 lần.
“Khi treo tổ ong trong vườn nhà rồi, đợt khai thác đầu tiên tôi lựa lúc ngày rằm, thông thường khi ấy ong sẽ chắc nhộng, khai thác được nhiều nhất. Còn từ đợt khai thác thứ hai trở đi sẽ cách đợt trước khoảng 20 ngày” , anh nói.
Vụ ong năm ngoái, Thế Anh gây dựng được vườn ong với khoảng 80 đàn, hầu như tổ nào cũng cho khai thác 2-3 lần, giúp anh thu hoạch được khoảng 3 tạ nhộng ong (300kg). Nếu tính với giá trung bình 200.000 đồng/kg, Thế Anh thu về khoảng 60 triệu đồng, chưa trừ đi các khoản chi phí như mua đồ bảo hộ, tiền xăng xe hoặc chi tiền thu mua một số tổ ong đã có chủ.
Vì ngày càng nhiều người thấy được nguồn lợi từ ong rừng, nên ngày càng có nhiều người làm thợ đi săn ong. Cạnh tranh cũng ngày càng cao, xảy ra tình trạng ong thì ít nhưng thợ thì nhiều. Nhưng Thế Anh vẫn dự kiến có thể gây dựng một vườn ong với khoảng 100 đàn. Nếu thuận lợi, khoản thu nhập 60 - 70 triệu đồng mỗi vụ là nằm trong tầm tay.