Chia sẻ về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, bệnh nhân N.T.T. (62 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến Bệnh viện Tai Mũi Họng khám vì ho kéo dài.
Bệnh nhân N.T.T. vui mừng cảm ơn bác sĩ sau khi được lấy dị vật thành công
Khai thác bệnh sử của bệnh nhân, cách đây 2 năm khi bà đang ăn cháo gà thì bất ngờ bị ho sặc, cảm giác vướng ở vùng cổ.
Bà T. nhiều lần cố gắng ho khạc nhưng không được, không khó thở, không tím tái, sau đó triệu chứng vướng ở cổ giảm bớt.
Vì chủ quan, bà T. không đi khám, tuy nhiên sau đó thường có những đợt ho kéo dài dai dẳng.
Trong vòng 2 năm qua, bà đã đi khám tại nhiều phòng khám tư nhân, bệnh viện trên địa bàn, thậm chí uống thuốc đông y nhưng tình trạng ho không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, sau khi lắng nghe bệnh sử, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật bỏ quên trong đường thở.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT-Scan ngực, phát hiện dị vật nằm trong phế quản bên trái, xơ hoá nhẹ ngoại vi thuỳ lưỡi bên trái.
Bên cạnh đó, người bệnh còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường đang điều trị.
Sau phẫu thuật sức khoẻ của bệnh nhân đã hồi phục tốt
Ngay trong đêm, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ống cứng lấy dị vật đường thở.
Các bác sĩ đã lấy thành công dị vật là một mảnh xương gà 1,5cm trong phế quản gốc bên trái của bệnh nhân.
Dù dị vật đã bỏ quên 2 năm nhưng vẫn còn nguyên mô, không xuất hiện tình trạng phân huỷ.
Sau phẫu thuật bệnh nhân giảm các triệu chứng ho rõ rệt, sức khoẻ nhanh chóng bình phục.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Đây là một trường hợp khó vì bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, đang ăn tự nhiên ho sặc là dấu hiệu quan trọng của hóc dị vật, tuy nhiên vì thời gian xảy ra quá lâu nên việc chẩn đoán dị vật ở vị trí phế quản có thể khó khăn và dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác. May mắn dị vật chưa gây bít tắc phổi hoàn toàn nên chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người bệnh”
TS.BS Lê Trần Quang Minh chia sẻ: “Trong khoảng 5 năm qua, Bệnh viện Tai Mũi Họng đã tiếp nhận và điều trị khoảng 22 trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên. Dị vật đường thở có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em và có nguy cơ gây tử vong. Nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương ở phổi sẽ tăng lên với thời gian dị vật còn trong cơ thể, do đó cần được chẩn đoán và can thiệp lấy dị vật càng sớm càng tốt”.