Hà Nội

Mảnh xương đâm thủng ruột non bé 27 tháng tuổi

31-10-2023 10:27 | Y tế

SKĐS - Cháu bé 27 tháng xuất hiện đau bụng từng cơn vùng rốn, không bị nôn, sốt hay bí trung đại tiện. Sau khi chụp vi tính cho thấy, cháu bé bị thủng ruột non do dị vật nhọn, dài 2,5cm, xuyên thủng thành đoạn cuối ruột non.

Đại diện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, bệnh nhân nhi 27 tháng tuổi được gia đình đưa vào cấp cứu. Qua chẩn đoán xác định, bệnh nhi bị thủng ruột do dị vật đường tiêu hóa.

Khai thác từ gia đình bệnh nhân được biết, cháu bé xuất hiện đau bụng từng cơn vùng rốn từ đêm 14/10, nhưng không bị nôn, sốt hay bí trung đại tiện. Sau đó gia đình đưa bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Qua thăm khám lâm sàng cho thấy bụng không chướng, nhưng khi nắn vùng hố chậu phải có phản ứng thành bụng, trên phim chụp X quang bụng không chuẩn bị không thấy hình ảnh cản quang bất thường. Nhận định đây có thể là trường hợp bụng ngoại khoa, nên trẻ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả chụp vi tính cho thấy, cháu bé bị thủng ruột non do dị vật nhọn, dài 2,5cm, xuyên thủng thành đoạn cuối ruột non.

Mảnh xương đâm thủng ruột non cháu bé 27 tháng tuổi - Ảnh 1.

Hình ảnh mảnh xương đâm thủng ruột non cháu bé 27 tháng tuổi.

Trước tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chỉ định mổ cấp cứu nội soi lấy dị vật và xử lý lỗ thủng ruột. Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ quan sát qua màn hình máy nội soi thấy dị vật là một mảnh xương chọc thủng qua thành ruột non đoạn cuối. Sau đó, kíp mổ tiến hành lấy dị vật ra khỏi thành ruột và khâu lại thành ruột bằng nội soi. Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã hồi phục, tiêu hóa lưu thông tốt.

Theo BS CKI Nguyễn Mạnh Toàn-Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Hàng năm, khoa tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị vật đường tiêu hoá là vật sắc nhọn gây thủng đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc ổ bụng; trong đó thường gặp là thủng ruột non, thủng đại tràng, túi thừa Meckel và ruột thừa. Dị vật thường gặp gây thủng ruột là do tăm tre, xương cá, xương gà, đinh vít...

Trước sự việc trên, bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khuyến cáo, mọi người cần cẩn trọng trong chăm sóc trẻ, nhất là khi cho bé ăn những thức ăn có xương; không cho trẻ ngậm các dị vật nguy hiểm như: tăm, vít, đồng xu, pin cúc. Trường hợp không may bị hóc, nuốt phải xương hoặc dị vật, người bệnh cần được đưa đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Hầu hết các dị vật nuốt phải sẽ được đào thải ra ngoài hệ tiêu hóa qua đại tiện trong vòng 1 tuần mà không để lại biến chứng. Còn khoảng 20% các dị vật tiêu hoá mắc trong ống ruột được lấy qua nội soi dạ dày hoặc nội soi đại tràng. Có một tỉ lệ nhỏ dị vật sắc nhọn không được đào thải ra ngoài và không được phát hiện, xử lý kịp thời chính là nguyên nhân dẫn đến thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa và tắc ruột.

Thủng ruột chiếm khoảng 1% trong số các dị vật đường tiêu hoá và nguyên nhân chủ yếu là do vật dài, sắc nhọn như xương gà, xương cá, tăm. Vị trí thường gặp nhất là thủng ruột non. Thủng ruột gây ra viêm phúc mạc; sốc nhiễm khuẩn nặng, thậm chí là tử vong, tỷ lệ tử vong do thủng ruột chiếm khoảng 10%- 18%.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi đối với 14 sản phẩm mỹ phẩm do một công ty tại Cần Thơ sản xuất.

Đức Tùy
Ý kiến của bạn