Mạnh Tử nghĩ gì?

30-05-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi đã làm quen với thầy Mạnh mà không hề biết.

Tôi đã làm quen với thầy Mạnh mà không hề biết.

Đầu đuôi là thế này.

Vào giữa những năm 20 thế kỉ trước, bố tôi cho tôi đi học chữ Nho ở nhà một thầy đồ tại phố Hàng Quạt, Hà Nội. Thầy nghiêm lắm, dạy “vài thằng trẻ ranh” mà bên mình luôn có cái roi mây để quất. Sách khai tâm là Tam tự Kinh, câu đầu là “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (người ta sinh ra tính vốn lành). Về nhà, sợ quên, ăn đòn, tôi vừa ngủ gật vừa ê a: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Các anh chị giễu tôi:

- Ê ê, Nhân chi sơ, sờ vú mẹ

Tính bản thiện, miệng muốn ăn…

Sau lớn lên, học Ban Tú tài Triết học Trường Bưởi, tôi mới biết câu đó gốc là Mạnh Tử và mới có dịp so sánh thầy Mạnh với triết gia Pháp Rousseau.

Mạnh Tử (Meng Zi) tên là Mạnh Kha (372-289) trước Công nguyên là nhà triết học cổ đại Trung Quốc, sống thời Chiến Quốc. Ông xuất thân quý tộc, được mẹ giáo dục theo lễ giáo phong kiến rất chặt chẽ. Thời Chiến Quốc, chế độ phong kiến phân quyền phát triển cao, phong trào “trăm nhà đua tiếng” nảy nở: tầng lớp địa chủ mới khuyến khích kẻ sĩ xây dựng lý thuyết làm cơ sở cho sự nghiệp của họ, do đó, nhiều học thuyết khác nhau xuất hiện. Có những học thuyết chống lại Khổng học. Ông bảo vệ Khổng học, đi nhiều nước chư hầu để mong thực hiện chính kiến. Không đạt được ý muốn, ông về quê dạy học. Sách Mạnh Tử phần do ông chép, phần do đồ đệ ghi lại. Ông kế thừa giáo huấn của Khổng Tử, dựng nên hệ thống của nhà Nho. Quan điểm chính trị của ông dựa vào thần quyền: vua chúa thực hiện ý Trời mà ai cũng phải theo (thiên mệnh), - “Thánh nhân” thể theo ý Trời, sáng tạo lịch sử. Theo ông, quần chúng nhân dân phải lao động chân tay để nuôi quý tộc. Thuyết “tính thiện”: con người sinh ra tính vốn “tốt” do trời phú. Đạo đức dựa trên chế độ phụ quyền gia trưởng của quý tộc là chân lý vĩnh viễn. Mạnh Tử cho rằng ý chí chủ quan, đạo đức tiên thiên chi phối “khí”, tức là thế giới vật chất. Để răn quý tộc phải tự kiềm chế, đừng đi đến chỗ thái quá có thể khiến cho mâu thuẫn xã hội gay gắt và trật tự phong kiến suy sụp, ông đưa ra một số quan điểm  tiến bộ: thuyết “Nhân chính” (quý tộc không dùng vũ lực thôn tính nhau, bớt dùng hình phạt tàn khốc, cải thiện kinh tế nhân dân), - thuyết “Dân vi quý” (dân là quý): dân chỉ tầng lớp trên, “quân vi khinh”: vua là thường.

*Dưới đây xin trích một số điều của Mạnh Tử do anh bạn quá cố Trần Văn Quý chọn và dịch:

- Quân tử sở dĩ khác người ta là chỉ ở chỗ giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân tử lấy nhân mà giữ cho còn cái tâm, lấy lễ mà giữ cho còn cái tâm.

- Làm người mà quả dục thì tuy có người không giữ được cái tâm nhưng ít lắm. Làm người mà đa dục thì tuy có người giữ được cái tâm nhưng cũng ít lắm.

- Thiên thì bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa: Thời trời chẳng bằng lợi đất, lợi đất chẳng bằng lòng người thỏa hiệp.

- Người vui cái vui của dân thì dân cũng vui cái vui của mình: Vì thiên hạ mà vui, vì thiên hạ mà lo thế mà không làm vương thì chưa có vậy.

- Người làm hại nhân gọi là tặc, người làm hại nghĩa gọi là tàn; người tàn tặc gọi là một đứa không ra gì. Ta nghe nói: giết một đứa Trụ, chưa nghe nói giết vua vậy.

- Mạnh Tử nói: Giàu có sang trọng không hoang dâm, phóng túng, gặp nghèo khó ti tiện không đổi tiết tháo, uy thế và vũ lực cũng không khuất phục được mình, người như thế mới đáng được gọi là đại trượng phu.

- Mạnh Tử nói: Người quân tử có ba điều vui: cha mẹ còn mạnh khỏe, anh em chẳng có chuyện gì, đó là điều vui thứ nhất. Trông lên trời chẳng hổ với trời, ngó xuống chẳng thẹn với người, đó là điều vui thứ hai. Được những anh tài của thiên hạ theo học để mình dạy, đó là điều vui thứ ba.      

Hữu Ngọc

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn