Mạnh tay với nạn quay lén

30-06-2020 16:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù hành vi dùng điện thoại thông minh quay lén vở diễn sân khấu, phim chiếu rạp rồi phát tán lên các trang mạng xã hội là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến giá trị, doanh thu tác phẩm... Tuy nhiên, tình trạng này gần đây vẫn diễn ra khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Từ sân khấu đến phim rạp

Sau thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa sáng đèn trở lại, phục vụ khán giả với các suất diễn vở Tướng cướp Bạch Hải Đường. Tuy nhiên, các nghệ sĩ của nhà hát này mới đây cho biết rất buồn vì không ít khán giả xem vở diễn đã dùng điện thoại di động để quay phim, chụp hình, phát trực tiếp trên trang cá nhân mạng xã hội. Điều đáng nói, trước khi khai màn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nhắc nhở khán giả nhiều lần về quy định cấm quay hình, chụp ảnh song khi vở diễn bắt đầu, một bộ phận khán giả vẫn phớt lờ và thực hiện hành vi sai trái.

Trước đó, NSƯT Thành Lộc từng chia sẻ thông tin vở diễn Tấm Cám của Sân khấu Kịch IDECAF bị một số khán giả quay lén rồi phát trên các trang mạng. Theo NSƯT Thành Lộc, nhà hát đã yêu cầu quý khán giả không chụp hình, không quay phim nhưng nhiều người cứ mặc nhiên không nghe và “ngang nhiên làm điều đó như các bạn đang sống ở một nơi không có luật pháp, không có tôn ti trật tự và không có cả sự tử tế, sự tôn trọng và lòng tự trọng! Thật buồn!”.

Không chỉ có sân khấu, phim chiếu rạp Việt cũng có nhiều tác phẩm bị khán giả quay lại hoặc phát trực tiếp lên mạng xã hội nhằm “câu view, câu like”. Những bộ phim ăn khách, được đầu tư lớn và có chất lượng của điện ảnh Việt như: Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Em chưa 18, Lô tô, Xóm trọ 3D, Chạy đi rồi tính và gần đây nhất có Hai Phượng là nạn nhân của việc quay lén, phát tán trực tiếp lên các trang mạng do ý thức yếu kém của một bộ phận khán giả trẻ. Những sự việc này đã từng tốn nhiều giấy mực của báo giới và gây bức xúc cho giới làm nghề cũng như khán giả chân chính.

Các nghệ sĩ đều cho rằng, quay lén tác phẩm sân khấu hoặc phim chiếu rạp là hành vi xâm phạm bản quyền, gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, tác động xấu đến thái độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật nơi công cộng. Việc quay lén và phát tán tác phẩm nghệ thuật trái phép lên mạng xã hội không chỉ gây tổn hại đến doanh thu, mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó, vô tình tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật “không sạch”.

Quay lén vở diễn, phim chiếu rạp là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý đúng mức.

Quay lén vở diễn, phim chiếu rạp là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý đúng mức.

Không nên “giơ cao đánh khẽ”

Theo Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, có thể bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng, buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm. Nặng hơn, theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 về tội xâm phạm quyền tác giả, hành vi này có thể bị phạt với khung phạt cao nhất là 1 tỷ đồng và 3 năm tù giam, mức phạt thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng.

Mặc dù hành vi quay lén vở diễn, tác phẩm điện ảnh đã diễn ra nhiều và các đơn vị hầu hết truy ra thủ phạm ngay tức thì, phía nhà sản xuất thường “giơ cao đánh khẽ”. NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ, ở Việt Nam, sau mỗi lần bắt quả tang, các đơn vị thường chỉ làm ầm lên, sau đó dừng ở mức răn đe, cảnh cáo và tha, kèm theo bản cam kết “không được tái phạm” với người thực hiện hành vi sai trái. Nhiều cá nhân quay lén phim chiếu rạp và phát tán lên mạng thời gian qua cũng được nhiều đơn vị xử lý nhưng chưa triệt để và đến cùng theo luật định, vô hình trung làm một bộ phận khán giả thiếu ý thức “nhờn” luật.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài ý thức của khán giả thì các đơn vị sân khấu, nhà sản xuất (phát hành) phim cần mạnh tay hơn đối với cá nhân có hành vi xâm phạm tác phẩm nghệ thuật của mình. Bởi dù có thế nào, “đứa con tinh thần” được tạo ra với biết bao công sức, chất xám. Đó là những sản phẩm nghệ thuật tâm huyết mà cả một tập thể và cần được bảo vệ một cách đúng đắn chứ không thể vì tâm lý nể nang mà các đơn vị tự gây khó, chịu phần thiệt về mình. Lại càng không thể thông cảm bởi đa số khán giả trẻ đều nói “không biết”, “không hiểu”... khi thực hiện livestream, quay lén và phát tán phim, vở diễn lên mạng xã hội.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn