Mới đây nhất Công an TP.HCM vừa bắt giữ kẻ cầm đầu băng nhóm “áo cam”, khiến dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, vì sao những Đường “Nhuệ”, Loan “Cá”, “băng áo cam”... hoạt động trong thời gian dài mới bị phát hiện, triệt phá là điều người dân mong muốn có câu trả lời.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
TS. Trần Danh Tùng, giảng viên Học viện chính trị - Hành chính Khu vực I cho rằng, về vấn đề này để nhiều nhóm giang hồ ngang nhiên thanh toán lẫn nhau ngay giữa lòng thành phố, gây nên tâm lý sợ hãi hoang mang trong quần chúng nhân dân như vậy thì lãnh đạo ngành công an phải chịu trách nhiệm. Cần phải truy trách nhiệm lãnh đạo công an cấp quận, phường nơi để xảy ra vụ việc. Ngành công an phải lấy việc phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm có vai trò quan trọng hơn việc để xảy ra phạm tội rồi mới vào cuộc triệt phá, TS. Tùng cho biết.
Cũng theo TS. Tùng, để trấn áp và dập tắt các băng nhóm tội phạm này ngay từ trong trứng nước, lực lượng công an cần phải làm mạnh như: Đồng Nai, Thái Bình như trong thời gian qua. Vai trò người đứng đầu rất quan trọng, nếu quyết tâm và làm quyết liệt thì tôi tin tội phạm không còn đất sống. Nếu những cán bộ, chiến sĩ công an nào không làm hết trách nhiệm, có dấu hiệu bảo kê hay chùn bước trước tội phạm, nên mạnh dạn thay thế cho những người làm được việc.
Trong thời gian tới lực lượng công an sẽ ban hành kế hoạch ra quân trấn áp mạnh các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen.
Chú trọng phong trào quần chúng tố giác tội phạm
Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết, để tình trạng trên xảy ra trong một thời gian dài trước hết là công tác nắm tình hình của các lực lượng công an cơ sở chưa được sâu sát, chưa toàn diện, cho nên để các băng nhóm tồn tại hoạt động trong một thời gian dài mới bị phát hiện, triệt phá. Tuy nhiên, phải nói, các băng nhóm, với những đối tượng hình sự cộm cán lâu năm thì chúng thường thường núp bóng doanh nghiệp hoặc không lộ diện, hoạt động của những băng nhóm này khá tinh vi, dẫn đến việc đấu tranh triệt phá có những khó khăn.
Mặc dù vậy, đến nay, lực lượng hình sự cũng đã rất chủ động nắm, kiềm chế hoạt động của chúng. Cho nên hoạt động lộng hành của các băng nhóm đã giảm, Cục trưởng C02 cho biết.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, để đạt được hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ngoài nỗ lực của lực lượng công an, phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là việc phát hiện tố giác từ người dân. Cùng với việc triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm có tổ chức; khẩn trương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tấn công tội phạm, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh để chủ động phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ sớm các đường dây, tổ chức, băng nhóm, làm tan rã các băng nhóm tội phạm ngay từ trong trứng nước. Còn nếu để lâu thì càng ngày càng diễn biến phức tạp, Cục trưởng C02 nói.
Để tiếp tục kiềm chế và kéo giảm tội phạm trong thời gian tới, các lực lượng công an phải nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quản lý chặt cán bộ nhằm phòng ngừa sai phạm; thực hiện tốt công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm, điều tra, đấu tranh triệt xóa các tổ chức, băng, nhóm tội phạm hình sự hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là các băng nhóm hoạt động có tổ chức, không để hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Đồng thời sớm đề nghị đưa ra xét xử một số vụ việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.