Hà Nội

Mạnh dạn quy định bắt buộc tham gia BHYT

16-01-2014 00:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phát biểu tại buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế trong phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 13-15/1, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh chỉ có thể áp dụng hình thức bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BH

Phát biểu tại buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế trong phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 13-15/1, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh chỉ có thể áp dụng hình thức bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì mới tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình…

Tránh lựa chọn ngược và bao cấp ngược trong BHYT

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT do bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH trình bày, việc tiếp tục quy định mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT cùng với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho một số nhóm dân cư tham gia BHYT là kế thừa quy định của Luật BHYT hiện hành.

 	BHYT hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho mọi người tham gia các dịch vụ khám chữa bệnh. Ảnh: TM

BHYT hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho mọi người tham gia các dịch vụ khám chữa bệnh. Ảnh: TM

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, rất khó quy định chế tài xử lý đối với người không tham gia BHYT bắt buộc. Do đó, dự thảo luật sửa đổi cần quy định việc thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân mới có cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Triển khai theo hướng này mới thể hiện rõ trách nhiệm của công dân đối với quỹ BHYT. Chủ nhiệm Trương Thị Mai phân tích, nếu quy định là BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm dân cư tham gia BHYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước đã sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT để thúc đẩy tham gia BHYT xã hội bắt buộc. Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy sẽ không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng bắt buộc. Giống như việc đội mũ bảo hiểm, vì an toàn tính mạng của người dân nên chúng ta bắt buộc, ai không đội thì xử phạt.

Nên bỏ quy định khám chữa bệnh trái tuyến

Đề xuất quy định nên bắt buộc người dân tham gia BHYT của Bộ Y tế đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiên quyết, cần quy định rõ trong luật là thực hiện BHYT bắt buộc để tiến tới toàn dân tham gia BHYT. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, dự thảo Luật BHYT sửa đổi cần tạo bước đột phá trong công tác BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ, tạo điều kiện cho ngành y tế giải quyết khó khăn, góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách. “Phải mạnh dạn quy định BHYT bắt buộc toàn dân, không nên chỉ một bộ phận tham gia như hiện nay, rồi trông chờ vào ngân sách thì không nên”- ông Hiển nêu ý kiến.

Về chính sách chi trả, dự thảo luật đưa ra chính sách đối với những người có công với cách mạng, cha mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công với gia đình liệt sĩ, con của liệt sĩ thì nên được hưởng 100% chi phí KCB mà không phải chi trả. Với phân tích “BHYT bắt buộc nhằm chia sẻ rủi ro với người và với chính mình, trong xã hội thì người khỏe chia sẻ với người ốm và đời người sinh lão bệnh tử nên cũng có lúc khỏe lúc ốm” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với quan điểm trên và đề nghị dự luật phải quy định làm thế nào đó để tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB.

Liên quan đến quy định KCB trái tuyến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, cần đi theo hướng tuân thủ quy tắc kinh tế thị trường. Theo đó, nơi nào làm tốt, nơi đó được người dân tìm đến; không được phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư; phải để cho bệnh viện tư thanh toán đầy đủ cho người có thẻ BHYT.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn