Đã qua 1 năm kể từ khi 7 website chia sẻ nhạc trực tuyến tuyên bố “bắt tay” để thu phí tải nhạc nhằm hướng người nghe tới việc nghe có ý thức cũng như để thực thi việc bảo vệ tác quyền âm nhạc, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền nhạc số vẫn cứ diễn ra nhan nhản. Có người đã lên tiếng để tự bảo vệ tác phẩm của mình, lại cũng có người im lặng cho qua...
Thu chỗ này, lọt chỗ kia
Sau 1 tháng thực hiện việc thu phí tải nhạc số, số tiền mà 7 website thu lại chỉ chưa đầy 20 triệu đồng - con số quá nhỏ nhoi so với số tiền mà Công ty cổ phần Tập đoàn MV (MV Corp) đã bỏ ra để mua 40.000 bản ghi âm từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Bởi trên thực tế, 7 website trên tổng số hơn 150 website chia sẻ nhạc trực tuyến, dù là những website có “danh tiếng”, thực hiện thu phí tải nhạc là quá ít ỏi. Việc làm này cũng đồng nghĩa với việc 7 website tự đặt mình vào thế khó trong cuộc cạnh tranh “không công bằng” với các website khác. Người Việt Nam lâu nay vẫn có thói quen “xài chùa” nên nếu phải lựa chọn giữa việc nghe các bản thu âm miễn phí, dù chất lượng thấp với nghe những bản thu âm chất lượng cao, nhưng phải trả tiền thì chắc chắn họ sẽ chọn phương án một.
Việc “bắt tay” giữa các website được kì vọng mở ra một kỉ nguyên mới cho vấn đề nghe nhạc trực tuyến nhưng đã phải sớm “chết yểu” khi mà chỉ sau 4 tháng, MV Corp đã phải làm các thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn với RIAV. Đáng lẽ ra bản hợp đồng này phải kéo dài 3 năm. Nguyên nhân rút lui, dù không được cả hai bên công bố, nhưng cũng dễ có thể đoán biết với những thực tế như trên.
![]() |
Vậy là các website vẫn cứ “ngang nhiên để lộ” các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ, nhạc sĩ dù không được phép, mặc kệ cho chủ nhân tức anh ách. Mới đây nhất là vụ việc album Mười tám của nữ ca sĩ Văn Mai Hương, vừa họp báo ra mắt chiều hôm trước thì sáng hôm sau đã tràn lan trên các trang mạng như nhacvui.vn, xzone.vn... Nhạc sĩ Huy Tuấn - người giữ vai trò nhà sản xuất album này đã không khỏi bức xúc lên tiếng: “Thậm chí Mười tám còn chưa chính thức phát hành trên thị trường, chúng tôi mới đưa ra khoảng 100 bản trong buổi ra mắt báo chí, vậy mà toàn bộ nội dung của album đã được đưa lên rất nhiều trang mạng, diễn đàn âm nhạc mà không có sự đồng ý của chúng tôi. Đây là một sự vi phạm bản quyền trắng trợn, một thói quen tiêu dùng thiếu văn minh. Bất cứ ai trong xã hội cũng muốn công sức lao động của mình được tôn trọng, vậy tại sao công sức của nghệ sĩ lại bị coi thường đến thế?”. Trước tình cảnh này, ê-kip sản xuất cũng đã tuyên bố sẽ khởi kiện nếu các trang mạng không gỡ các bản thu âm xuống...
Xem ra, thói quen “vô tư” vi phạm đã trở thành cố hữu. Luật Sở hữu trí tuệ dù đã có hiệu lực từ nhiều năm nhưng lại quá thiếu chế tài xử phạt. Tình cảnh đó buộc “người trong cuộc” tự đứng lên bảo vệ mình nhưng lại đang thiếu sự đồng bộ dẫn đến bên có bên không. Với cách làm manh mún như vậy, thật khó để “cải thiện” tình trạng vi phạm bản quyền nhạc số.
Cần sự liên kết đồng bộ
Việc thu phí tải nhạc trực tuyến thất bại dễ dàng như vậy chỉ có thể lý giải bằng việc thiếu sự nhất quán và đồng lòng của toàn bộ các bên chủ sở hữu file nhạc số gồm ca sĩ, nhà sản xuất, RIAV. Bởi không phải nhà sản xuất âm nhạc nào cũng là thành viên hiệp hội nên việc thống nhất bảo vệ tác quyền làm theo kiểu "xôi đỗ", có người tham gia, có người không. Đặc biệt, có ca sĩ muốn sản phẩm của mình được bảo hộ, song cũng có ca sĩ lại muốn tung các MV, single lên mạng cho tải miễn phí để có nhiều người nghe nhằm khuếch trương tên tuổi. Trong tình cảnh đó, người tải nhạc không hề "đói" nhạc tới mức buộc phải bỏ tiền ra mới có nhạc để nghe. Hơn nữa, việc xử lý các trang nhạc không tôn trọng quyền sở hữu sản phẩm nhạc số hiện nay hầu như bị buông lỏng. Các website để cho thành viên vô tư up nhạc lên và chia sẻ cho nhau như người "múa gậy vườn hoang" và không hề bị cấm đoán, nhắc nhở cũng là một nguyên nhân khiến việc bảo hộ tác quyền ngày càng xa ngoài tầm với.
Thực tế, các ca sĩ, nhạc sĩ - chủ sở hữu các sản phẩm âm nhạc đều ít nhiều biết đến những vi phạm bản quyền với “đứa con tinh thần” của mình. Thế nhưng, thực trạng ấy lại hiển nhiên đến nỗi nhiều nhạc sĩ đã lờ đi, chẳng thèm bận tâm đến nữa. Như nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ: “Thi thoảng, tôi biết có nơi này nơi khác sử dụng ca khúc của mình bất hợp pháp nhưng tôi không quan tâm lắm. Tuy nhiên, cũng có những người đã mạnh dạn đứng lên “tuyên chiến”, như trường hợp ê-kip làm album Mười tám . Nhưng xét cho cùng, những phản ứng này vẫn thuộc về ý thức cá nhân, do sự bộc phát của cá nhân theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chứ chưa phải là một sự liên kết, hợp lực giữa các nghệ sĩ. Đó là chưa kể đến một thực tế có thật rằng không ít ca sĩ đã “ăn theo” chính sự vi phạm bản quyền âm nhạc để mưu cầu sự nổi tiếng cho mình. “Trong tình trạng bát nháo thế này, nhiều nghệ sĩ có một suy nghĩ chung khi sắp ra sản phẩm mới là làm sao để bài hát của mình xuất hiện trên càng nhiều kênh càng tốt, trong thời gian càng ngắn càng tốt. Mà muốn vậy thì chỉ có “free” (miễn phí). Thế nên mạnh ai thì người ấy “free”. Không ai liên kết với ai để chống lại việc đó. Dù biết nó là suy nghĩ sai lầm và có hậu quả là nạn kinh doanh trái phép của các website nhạc số”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phản ánh.
Để cải thiện bức tranh xám về việc thực thi tác quyền âm nhạc trực tuyến, có lẽ hơn lúc nào hết cần một sự liên kết giữa các nghệ sĩ với nhau và với các đơn vị khai thác tác quyền âm nhạc như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam... Ngoài ra, cũng cần kêu gọi và có quy định ràng buộc với các đơn vị kinh doanh nhạc số. Chính họ cũng cần liên kết với nhau để thực thi tác quyền nhạc số, tránh tình trạng kẻ làm, người không...
Linh Anh