Mảng xám đáng sợ của K-pop

24-07-2020 11:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - K-pop, một sân chơi tưởng như chỉ có sự sôi động của âm nhạc, sự hào nhoáng của các ngôi sao, thật ra luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm đáng sợ. Những vụ tự tử hồi cuối năm ngoái của 2 thần tượng K-pop đã cho thấy đời sống tinh thần khổ sở của họ khi phải đối mặt với búa rìu dư luận, đặc biệt là các nữ nghệ sĩ trẻ tuổi.

Những cái chết tức tưởi

“Sẽ không còn bạo lực mạng nơi thiên đàng, an nghỉ nhé”, thông điệp này được viết bởi một tài khoản facebook tên là Jin Baek khi bày tỏ về cái chết của ngôi sao K-pop Goo Hara (từng là thành viên nhóm nhạc nữ Kara). Thông điệp này cũng chỉ ra mấu chốt của một vấn đề lâu nay gây nhiều bức xúc trong xã hội. Bị tra tấn bởi những bình luận cay cú, hằn học, đe dọa trên mạng và không thể thoát khỏi trầm cảm mặc dù sự nghiệp solo đang diễn ra hết sức tốt đẹp, Goo Hara đã kết thúc cuộc đời vào ngày 24/11/2019 khi mới bước sang tuổi 28. Đây là cú sốc thứ hai đối với người hâm mộ K-pop, bởi 6 tuần trước đó, người bạn thân của Hara, Sulli - thành viên nhóm nhạc nữ F(x) cũng lựa chọn cách tương tự để kết thúc cuộc sống.

Sulli, nữ nghệ sĩ đã lựa chọn cái chết ở tuổi 25, được cho là bị trầm cảm. Giống như Goo, cô cũng là mục tiêu của những lời sỉ nhục, bắt nạt trên mạng và những bình luận ác ý.

Có thể nói, cái chết tức tưởi của họ đã thức tỉnh rất nhiều người khi đánh giá và nhận định về cuộc sống hào nhoáng của giới giải trí, nơi những nữ nghệ sĩ trẻ đẹp bị đẩy vào thế bí mà không có sự chuẩn bị tinh thần cho góc khuất của sự nổi tiếng. Vivian Lee, một người từng hoạt động lâu năm trong ngành giải trí, có kinh nghiệm sản xuất các chương trình thần tượng, nói với tờ The Times: “Sự sỉ nhục không phải là điều mà một người bình thường có thể chịu đựng. Những người nổi tiếng có ít kinh nghiệm xã hội và phần lớn đời sống của họ đều dành cho nghệ thuật, dưới ánh đèn sân khấu, vì vậy tâm trí họ mong manh như một quả bóng thủy tinh. Những bình luận ác ý là quá sức chịu đựng đối với họ, và những kẻ bắt nạt không khác gì tội phạm. Nhưng họ không thể xử lý những bình luận này một cách bình tĩnh, sáng suốt”.

Thực tế, thần tượng K-pop bị ràng buộc bởi các quy tắc nghiêm ngặt được đặt ra bởi các công ty quản lý của họ, ngoài ra, thời gian của họ bị chi phối bởi lịch trình đào tạo nghẹt thở, internet chính là công cụ giúp họ giao tiếp với người hâm mộ cũng như thế giới bên ngoài. Nhưng đó cũng là nơi nguy hiểm rình rập với hàng trăm ngàn lời lẽ cay độc từ những kẻ bắt nạt. Cả Hara và Sulli đều là những nghệ sĩ gây chú ý bởi sự dũng cảm, dám thách thức những chuẩn mực trong thế giới quá khắc nghiệt của K-pop. Và cả hai đã phải trả giá đắt. Sulli chính là nghệ sĩ ủng hộ phong trào không mặc áo ngực, nhưng tại Hàn Quốc, đây là một trong những hành động được coi là sự thể hiện nữ quyền quá mức.

Mảng xám đáng sợ của K-popGoo Hara là một nạn nhân điển hình của những lời bình luận xúc phạm trên mạng xã hội.

Cô bị gắn mác là “gái điếm quốc gia” và “ngôi sao khiêu dâm”, cùng vô vàn sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng. Còn với Hara, cô đã một mình đương đầu với một cuộc chiến pháp lý chống lại người bạn trai cũ Choi Jong-bum, người từng ngược đãi và đe dọa sẽ phát hành một đoạn phim sex của chính cô. “Những cuộc tấn công trên mạng nhắm vào các nữ idol luôn dai dẳng và hiếm khi kết thúc. Cuối cùng, nạn nhân có thể suy sụp tinh thần, và trong trường hợp xấu nhất, họ sẽ tự tử”, Vivian Lee bày tỏ.

Quyết liệt chống lại sự bất công

Một kiến nghị trực tuyến thu hút hơn 23.000 chữ ký chống lại bạo lực mạng đã được gửi tới Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc sau cái chết của Sulli. Trong khi những người khác kêu gọi sự trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm mạng và bình luận ác ý, gây ra cái chết của Goo Hara, thu được hơn 20.000 chữ ký trong chưa đầy một ngày. Hai dự luật nhằm xóa bỏ lạm dụng trực tuyến - yêu cầu người dùng trực tuyến sử dụng tên thật, kêu gọi các cổng thông tin lọc bình luận độc hại - đã được đệ trình lên Nghị viện vào ngày 25/10/2019. Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc cũng kêu gọi chính phủ “thiết lập và thực hiện các biện pháp thực tế để bảo vệ nghệ sĩ”.

Các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều hơn kiến thức và kinh nghiệm nhằm giúp các thần tượng K-pop trẻ tuổi chuẩn bị tinh thần cho sự cuộc sống đầy áp lực, đặc biệt là ở một đất nước mà phụ nữ bị soi mói vì những khiếm khuyết nhỏ nhất. Dẫu vậy, Vivian Lee cho biết: “Không phải tất cả các công ty quản lý đều chăm sóc tốt sức khỏe tâm lý cho các nghệ sĩ của họ. Các nghệ sĩ phải học nhiều thứ như kỹ năng nhảy và hát, nhưng tôi nghi ngờ việc họ được học cách quản lý stress và cách xử lý các bình luận trực tuyến. Họ đua nhau ra mắt, tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn để trở nên nổi tiếng. Nhưng giấc mơ của họ có thể bị phá vỡ bởi những bình luận trực tuyến. Đó không còn là nỗi buồn cá nhân, mà là vi phạm nhân quyền”.


Nam Phương
Ý kiến của bạn