Mạng xã hội - 'Bánh ngon' hay cạm bẫy?

21-06-2023 10:00 | Xã hội

SKĐS - Trong thời đại kỷ nguyên số, nhà báo không chỉ phải thành thục về công nghệ, nhanh, nhạy trước thông tin, biết làm seo, theo trend kịp thời còn mà phải tránh được “bẫy” thông tin thật giả lẫn lộn luôn tràn lan trên mạng xã hội.

“Mặt trận nào cũng tham gia, chiến trường nào cũng nổ súng” dễ bị sa bẫy

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống trên phương diện trách nhiệm người làm báo trước bẫy thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, nhà báo Bùi Ngọc Hải, Giám đốc Soha News cho rằng: “Không ít người nghĩ rằng khi họ chỉ trích, phán xét, kết tội một ai đó thì họ đã và đang làm việc có ích, có trách nhiệm trên mạng xã hội.

Nhưng trên mạng có không ít kẻ cố tình tung tin giả. Rất nhiều người nổi tiếng - KOLs và ngay cả một số nhà báo kỳ cựu, cũng bị hớ nặng, phải xin lỗi, đính chính vì tin vào mạng xã hội.

Việc kết tội trên mạng là “khẩu nghiệp”, việc ca ngợi nhầm cũng đưa đến những chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn, chiêu lừa “Bác sĩ Khoa rút máy thở của ba mẹ mình nhường cho sản phụ bị COVID-19 nặng”. Hay chuyện một số nghệ sĩ bị các phiên tòa dư luận “xét xử” về cáo buộc ăn chặn tiền từ thiện, nhưng cơ quan chức năng chứng minh họ hoàn toàn trong sạch...

Mạng xã hội - 'Bánh ngon' hay cạm bẫy? - Ảnh 1.

Tham gia mạng xã hội với phương châm “mặt trận nào cũng tham gia, chiến trường nào cũng nổ súng” thì rất dễ bị sa bẫy. Đơn giản là vì mỗi người đều không đủ chuyên môn về mọi chuyện, khó nắm được thông tin một cách toàn cảnh và chính xác.

Ngược lại, nếu ta sử dụng mạng xã hội như một cái phễu để hứng được nhiều thông tin hữu ích, tốt đẹp từ mọi người thì mạng xã hội trở thành miếng bánh rất ngon. Nếu cá nhân ta không chỉ biết nhận, mà còn biết cho đi, biết ra lan tỏa được những điều hữu ích, tốt đẹp, ấm áp, tử tế cho mọi người trên mạng xã hội, thì miếng bánh đó càng ngon nữa.

Thực tế thì tôi thấy nhiều KOLs, nhiều người bình thường khác, đã và đang làm được điều này”. Trên thực tế, báo chí hiện nay đang phải chạy đua với thông tin trên mạng xã hội với thật giả lẫn lộn, nhưng nhà báo bị hạn chế rất nhiều về tốc độ.

Chẳng hạn, một sự việc xảy ra, phóng viên phải thực hiện các thao tác hoàn tất các thủ tục chụp hình, viết tin, gửi về tòa soạn rồi mới có thể đăng tải hay phát sóng... trong khi người đăng trên mạng xã hội có thể livestream ngay tại chỗ.

Do đó, nếu xét lợi thế về độ nhanh, thì nhà báo và những phương tiện báo chí truyền thống không thể so với mạng xã hội. Bởi một tờ báo thì chỉ có vài chục, vài trăm người đưa tin, còn mạng xã hội thì có quá nhiều người đưa tin.

Nhưng tiếp cận ở góc độ khác: Tờ báo năng động nào bây giờ cũng sử dụng mạng xã hội như một cánh tay nối dài, phục vụ nhu cầu độc giả. Những trang mạng xã hội này cũng rất nhanh nhạy đưa tin. Tất nhiên, dù vậy tốc độ cũng không thể nào nhanh bằng những tài khoản không phải báo chí trên mạng xã hội.

Nhưng điểm khác biệt lại chính ở chỗ đó: Nếu là sản phẩm của cơ quan báo chí hàng đầu thì độ tin cậy, tính kiểm chứng, chiều sâu của thông tin chắc chắn vượt trội mạng xã hội. Đây cũng chính là lý do mà nhiều tờ báo phiên bản online thu phí được và sống khỏe.

Khi uống bia, rượu nên... hạn chế đăng Facebook

Bày tỏ quan điểm về nhà báo với bẫy mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Văn Chiển, Báo Quân đội Nhân dân cũng cho rằng, giống như xã hội hiện nay, mạng xã hội cũng là môi trường hết sức phức tạp, nếu không tỉnh táo, thận trọng, bất cứ ai, kể cả nhà báo cũng sẽ đều bị nếm “quả đắng”.

Anh Chiển chia sẻ chuyện hy hữu của mình: “Tôi từng bị “hớ” khi chia sẻ, đăng bài viết trên mạng xã hội, thấy một tấm gương có hành động rất dũng cảm, nghĩa hiệp nên đã viết lên trang cá nhân để bày tỏ sự cảm phục, muốn lan tỏa để giúp cộng đồng thấy cuộc sống còn nhiều người tốt. Nhưng sau đó mới biết, thông tin đó chỉ là một nửa sự thật. Khi biết điều đó, tôi đã viết một bài để giải thích, xin lỗi cộng đồng và đã được mọi người cảm thông, chia sẻ.

Mạng xã hội - 'Bánh ngon' hay cạm bẫy? - Ảnh 3.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải (trái), nhà báo Nguyễn Văn Chiến (phải)

Một nhà báo muốn tham gia mạng xã hội một cách an toàn, hữu ích và có trách nhiệm thì trước tiên phải có lương tâm trong sáng, thái độ tích cực, coi viết bài trên trang cá nhân cũng như trên báo vậy. Khi muốn viết báo ta luôn quan tâm xem bài có được duyệt không? Có vi phạm gì không? Có được độc giả chấp nhận không? Vì khi viết báo còn có các cấp duyệt, chỉnh sửa, còn viết trên trang cá nhân thì tự mình viết, tự mình ấn nút đăng nên sự cẩn trọng càng phải cao hơn.

Tôi cũng trò chuyện với nhiều “hot facebooker” uy tín, có trách nhiệm với xã hội và nhận ra rằng, khi uống bia, rượu nhiều, nên hạn chế viết bài đăng Facebook vì đây là lúc người viết dễ bị đính “bẫy” nhất.

Từ sự quan sát của mình và thực tế bản thân, tôi nhận thấy với nhà báo, mạng xã hội vừa là “bánh ngon” vừa là cạm bẫy. Nó là mồi ngon nếu người ta biết sử dụng nó vào mục đích trong sáng, thận trọng, với mong muốn làm đẹp cho cộng đồng, xây dựng hình ảnh mình tốt hơn. Ngược lại, nó là cạm bẫy nếu chúng ta ảo tưởng, coi đó là một thứ vũ khí lợi hại mặc sức “tự tung tự tác”, “hô mưa gọi gió”, nói năng văng mạng”.

Nhà báo có vai trò rất quan trọng trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội. Vì người làm nghề chuyên nghiệp, được dạy về các nguyên tắc hoạt động báo chí, chịu sự chi phối của đạo đức nghề nghiệp, do đó, sẽ biết lựa chọn nên đăng những gì, không nên đăng điều gì, biết vấn đề này nên dừng lại thông tin ở mức độ nào để tạo hiệu quả tích cực.

Bởi thực tế cho thấy, hằng ngày, xung quanh ta xảy ra rất nhiều sự kiện, nhưng không phải sự kiện gì cũng là đề tài báo chí để nhà báo đăng tin, viết bài. Để truyền tải thông tin nhanh và vẫn chuẩn xác, lại còn để không bị mạng xã hội thao túng thì quả là rất khó. Vì thực tế, nhiều trang mạng xã hội hiện nay họ lập ra để “kinh doanh” thông tin, do đó, rất đầu tư vào việc tìm kiếm, săn lùng nguồn tin. Họ không đơn thuần chỉ lập trang mạng ra để “chơi cho vui” nữa. 

Do đó, muốn không bị mạng xã hội thao túng, nhà báo cần xây dựng được nguồn tin thật tốt, thật tin cậy để kịp thời cung cấp thông tin “nóng”. Đồng thời, cần rèn luyện ngòi bút, sáng tạo, đổi mới trong cách thể hiện để nâng cao chất lượng bài viết, sao cho chính xác, tin cậy, đúng định hướng nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn.

Coi mạng xã hội là nơi gợi ý, không phải kẻ cướp đi sự nghiệp Vai trò của nhà báo trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội vô cùng khốc liệt. Làm gì để truyền tải thông tin nhanh mà vẫn chuẩn xác, không bị mạng xã hội thao túng là điều các toà soạn phải cảnh tỉnh mỗi ngày. Nói về cuộc đua này, ông Ngọc Hải dẫn chứng: “ChatGPT ra đời cùng với cơn sốt trí tuệ nhân tạo, tạo ra những con sóng mạnh mẽ đập thẳng vào đội ngũ làm báo. ChatGPT bây giờ có thể làm nhiều việc vượt trội những người làm báo tư duy cũ kỹ, làm báo không phải với động cơ nghề nghiệp. Chính cơn sốt này khiến sức cạnh tranh của mạng xã hội với nhà báo và cơ quan báo chí trở nên khốc liệt hơn. Rất nhiều nhà báo sẽ đối mặt nguy cơ mất việc trong một tương lai gần”. Là nhà báo nếu xây dựng được bản sắc riêng, sự dấn thân riêng, sự sáng tạo riêng; thành thạo các kỹ năng tích hợp về media để đẩy nhanh tốc độ tác nghiệp sẽ không sợ bị thay thế bởi đội ngũ “báo chí công dân” trên mạng xã hội. Nhà báo có thể chậm hơn mạng xã hội ở thông tin ban đầu. Nhưng những thông tin hay nhất, góc nhìn tốt nhất thường xuất hiện sau khi tin ban đầu đã lên. Mặt khác, trong những vụ như thế, nhà báo thông minh sẽ coi mạng xã hội như người gợi ý đề tài cho mình làm sâu hơn, chứ không coi mạng xã hội là kẻ thù, là kẻ cướp đi sự nghiệp của mình. Nhà báo nào vừa biết đối mặt, vừa biết nhờ cậy mạng xã hội như thế thì đất diễn sẽ luôn luôn rộng mở.

Nhà báo khi tham gia mạng xã hội cần đặt lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, quốc gia lên trên hết. Mạng xã hội là “bánh ngon” hay cạm bẫy đều do bản lĩnh của nhà báo. Trước đây, độc giả chỉ biết đến nhà báo qua tác phẩm, qua cái tên dưới bài viết, hoặc tiếng nói, hình ảnh qua phát thanh, truyền hình. Nhờ có mạng xã hội mà nhà báo xuất hiện đầy đủ hơn, về chân dung, suy nghĩ, tình cảm và thái độ sống của họ. Điều này vừa là lợi thế cho nhà báo tương tác với công chúng, nhưng cũng đặt ra không ít áp lực, thách thức và cả rủi ro.

Mai Hạnh
Ý kiến của bạn