Mảng văn học đề tài lịch sử: Loay hoay nổi, chìm

09-06-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau quãng thời gian khá nổi trên văn đàn, có vẻ như văn học đề tài lịch sử đang trở lại trạng thái tĩnh: không có tác giả đột phá và tác phẩm nổi bật.

Sau quãng thời gian khá nổi trên văn đàn, có vẻ như văn học đề tài lịch sử đang trở lại trạng thái tĩnh: không có tác giả đột phá và tác phẩm nổi bật. Nói đúng hơn, dường như nhiều tác giả muốn và đã thử sức với thể loại này nhưng lại rơi vào bế tắc trong việc tìm một hướng đi riêng, thuyết phục độc giả.

Những vị “trưởng lão”

Nhắc đến văn học đề tài lịch sử, không thể không nhắc đến hai vị “trưởng lão” Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải. Hai tác giả này đã dày công bồi luyện phong cách viết tiểu thuyết lịch sử - phong tục vô cùng cuốn hút và đầy tính hiện thực. Nếu nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có Hồ Quý Ly (dày 804 trang), Mẫu thượng ngàn (808 trang) đều ra năm 2006, Đội gạo lên chùa (868 trang) và nhiều bản thảo đang nung nấu hoặc chưa xuất bản thì nhà văn Hoàng Quốc Hải bỏ ra hàng chục năm để hoàn thành bản thảo của những Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận, Vương triều sụp đổ...

Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến những Vằng vặc sao Khuê của Hoàng Công Khanh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác). Chỉ kể ra như thế thôi cũng là đầy đặn với một đề tài khó như đề tài lịch sử Việt Nam. Trên thực tế, con số tác giả và tác phẩm lịch sử lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, để tái hiện lại được bối cảnh, thời thế và con người cần đến một quá trình dụng công và tích lũy không hề đơn giản.

Trên nền tảng một nền lịch sử có chiều dài và chiều sâu, cộng với đội ngũ những người viết văn trẻ được đánh giá là trường lực, chúng ta đã nuôi hi vọng về những tiểu thuyết lịch sử đồ sộ được phả vào hơi thở và cái nhìn của cuộc sống, con người hiện đại. Làm được điều đó, ranh giới giữa yếu tố “giải thiêng” và sáng tác không còn. Vẫn còn đó những độc giả muốn được đi sâu vào quá khứ của dân tộc, của những danh nhân nhưng nỗ lực sáng tạo của người viết chưa đáp ứng được mong mỏi ấy.

“Xem hoa thưởng nguyệt” thay vì“Ăn đời ở kiếp”

Trừ bộ tiểu thuyết đồ sộ Đại gia của nhà văn trẻ Thiên Sơn chứa đựng các sự kiện được coi như bộ ký sự lịch sử, mấy năm gần đây, ít xuất hiện các nhân tố có thể kế thừa thành tựu của những Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh trong đề tài tiểu thuyết lịch sử, dường như người viết trẻ hiện nay vẫn còn thiếu suy tư về lịch sử, sức nghĩ và vốn sống chưa nhiều, chưa thể tạo nên những tác phẩm có tính đột phá.

Nói như vậy không có nghĩa là các nhà văn trẻ đang hoàn toàn quay lưng với đề tài lịch sử. Nhưng ngay cả những người tưởng viết đã chắc tay như Đỗ Bích Thúy vẫn chưa thể tạo được dấu ấn với những trang viết khai mở quá khứ. Viết về câu chuyện xảy ra ở miền núi với độ lùi lịch sử 70 năm, Cánh chim kiêu hãnh mới chỉ dừng lại ở ngợi ca đặc trưng cho không gian, hình ảnh và văn hóa miền núi chứ chưa chạm tới thẳm sâu của bối cảnh lịch sử và số phận con người. Các tác phẩm Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Huyền Trân của Nguyễn Hữu Nam, Đường thời đại của tác giả Đặng Đình Loan, Mẫu Ỷ Lan của tác giả Ngô Ngọc Liễn được kỳ vọng khá lớn khi ra mắt nhưng chưa gây được ấn tượng với độc giả.

Không thể trường hơi với tiểu thuyết, nhiều tác giả trẻ quay sang truyện ngắn lịch sử. Có thể kể đến Đôi mắt Đông Hoàng, Người con gái Yên Tử của Uông Triều, Huyền thoại sông Lăng, Hồn Quỳnh của Phùng Văn Khai, Giao long truyền kỳ của Hoàng Tùng... Độc giả đã hi vọng về những cây bút sẽ chung thủy với đề tài lịch sử nhưng tiếc rằng đó chỉ là những cuộc “xem hoa thưởng nguyệt” ngẫu hứng, chưa ai đủ bản lĩnh để chịu “ăn đời ở kiếp” với đề tài này. Dường như có một mặc định rất vô lý rằng tiểu thuyết lịch sử nên là “địa hạt” của những nhà văn già, uyên thâm kiến thức lịch sử, một khía cạnh “lẩm cẩm” và đường cùng của những người viết lạc lõng trong thế giới hiện đại.

Nói cho cùng, lịch sử vẫn là đề tài đang thiếu những người khai mở sáng tạo những lối đi riêng. Và tất nhiên, những nhà văn trẻ có lẽ sẽ làm điều này tốt hơn. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ nhiệt tình, cái tâm, cái tài của người viết để biến những chất liệu đã có trở thành văn chương đích thực mà thôi.

Hạnh Dung


Ý kiến của bạn