Mảng tối khó xua tan

29-11-2012 09:56 | Xã hội
google news

Nhiều năm qua, ngành giáo dục nước nhà đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao toàn diện về chất lượng đào tạo nhưng có một thực tế vẫn tồn tại là tình trạng xuống cấp về nhân cách của một bộ phận học sinh, sinh viên lại diễn ra ngày càng trầm trọng với các vụ bạo hành học đường ngày một gia tăng về số lượng và mức độ táo tợn.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục nước nhà đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao toàn diện về chất lượng đào tạo nhưng có một thực tế vẫn tồn tại là tình trạng xuống cấp về nhân cách của một bộ phận học sinh, sinh viên lại diễn ra ngày càng trầm trọng với các vụ bạo hành học đường ngày một gia tăng về số lượng và mức độ táo tợn.

Thách thức cả xã hội

Các vụ bạo hành ngày càng được thông tin nhiều trên các trang mạng xã hội, mà chính đối tượng tham gia trong các vụ bạo hành tung lên hoặc là những người vô tình được chứng kiến vụ việc tung lên như một lời thách thức. Mặc dù đây là một hành vi mà cả xã hội đang kịch liệt lên án, phê phán và ngăn chặn nhưng số vụ bạo hành học đường lại không hề suy giảm mà lại tăng lên một cách chóng mặt. Theo số liệu từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, bạo lực học đường đã tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước đây.  Lên các trang mạng tìm kiếm, gõ từ khóa “bạo lực học đường ở Việt Nam” sẽ cho ra hàng  trăm  kết quả từ video, cho đến các bài viết của các báo đài nói về các vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua.

Mảng tối khó xua tan 1
Một cảnh xô xát giữa các học sinh với nhau.

Gần đây nhất là vụ nữ sinh bị lột áo giữa đường phố Hà Nội. Đối tượng tham gia vụ việc hầu hết là học sinh của trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Xuất phát từ mâu thuẫn “kiểu học trò”, ban đầu chỉ từ một ánh mắt đố kỵ giữa một số học sinh khối 12 cùng trường. Sau đó, những đối tượng liên quan đã gọi điện thoại cho bạn bè ở nơi khác đến để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Hậu quả, một nữ sinh đã bị một nhóm nữ sinh khác đánh và lột áo giữa đường trước sự thờ ơ của nhiều người. Nạn nhân bị tóm tóc, lột áo, kéo lê trên đường... đau đớn ôm người trong khi nhóm gây án đứng lăng mạ rồi bỏ đi.

Thậm chí một nhóm nữ sinh mới... lớp 6 của trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12, TP.HCM)cũng đã tổ chức đánh đập dã man, vạch áo một nữ sinh lớp 7 cùng trường, quay clip rồi tung lên mạng. Clip này kéo dài hơn 6 phút. Bạo lực chỉ dừng lại khi một nữ sinh trong nhóm can ngăn. Nguyên nhân của vụ việc là do nhóm nữ sinh kia nghi ngờ nạn nhân đã quyến rũ người yêu của một bạn gái trong nhóm nên muốn ra tay dằn mặt tình địch.

Không chỉ dừng lại ở việc bạo lực với bạn bè mà nhiều học sinh còn ra tay với cả thầy cô giáo - những người trực tiếp giảng dạy mình. Vụ việc một số học sinh ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) chặn đánh thầy trên đường đã gây xôn xao dư luận trong suốt một thời gian dài. Vụ việc diễn ra vào lúc 15h ngày 2/10/2012, tại trường THPT Đặng Thai Mai. Trần Văn Việt vào lớp học môn vật lý do thầy Hoàng Xuân Đông, giáo viên chủ nhiệm đứng lớp với đầu tóc cắt trọc và thái độ không tôn trọng thầy giáo. Thầy đã yêu cầu Việt ra ngoài. Do bức xúc vì thầy chủ nhiệm đuổi mình ra ngoài không cho vào học nên Việt đã cùng với hai người bạn tổ chức chặn đánh thầy Đông khi thầy trên đường về nhà. Hậu quả, thầy Đông bị thương tích nặng, bất tỉnh phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương, chiếc xe của thầy bị hư hỏng nặng.

Hoặc như vụ việc diễn ra gần đây nhất là vào ngày 31/10/2012, thầy L.Đ.H., giáo viên dạy toán của trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP.HCM) bị một học sinh lớp 10C20 đánh ngay trong giờ học chỉ vì bị thầy nhắc nhở do không mặc đúng đồng phục quy định. Nghiêm trọng hơn là vụ việc diễn ra ngày 17/3/2011, một học sinh nữ của trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đánh cô giáo phải vào nhập viện vì bị gãy xương sống mũi.

Một ngày là thầy suốt đời là cha, việc sẵn sàng dở thói du côn với chính thầy cô giáo của mình chứng tỏ nhân cách và đạo đức của nhiều học sinh đã bị tha hóa, tụt dốc trầm trọng, việc giáo dục nhân cách cho học sinh đã có những bước lùi dài.

Nguyên nhân không mới

Từ xưa tới nay, trường học được cho là nơi giáo dục ra những con người hoàn hảo về cả nhân cách lẫn kỹ năng, kiến thức, vì vậy khi bạo lực học đường diễn ra thì phần lỗi lớn được xã hội quy cho tại giáo dục. Nhưng trên thực tế thì trường học vẫn đang là “nạn nhân” của bạo lực học đường, với các vụ học sinh hành hung thầy cô giáo xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng và phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, nhìn một cách khách quan thì việc nhân cách của học sinh bị xuống cấp, suy thoái nghiêm trọng như vậy không chỉ là lỗi của một mình trường học mà còn do môi trường giáo dục của gia đình và những hệ lụy từ sự phát triển  của xã hội.

Xã hội càng phát triển hiện đại, với lối sống tiện nghi vật chất và sự quay cuồng trong nền kinh tế thị trường đã khiến cho mức độ quan tâm giữa người với người ngày càng trở nên ít đi, sự thờ ơ, hời hợt của con người khi chứng kiến tận mắt những vụ bạo hành là hồi chuông cảnh báo cho xã hội khi mà con người sống an phận, vô cảm với nhau.

Gia đình là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất trong chu trình giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho con trẻ, thế nhưng do chạy theo cuộc sống xô bồ, nhiều vị làm cha làm mẹ chỉ mải mê lao vào kiếm tiền mà quên đi nhiệm vụ làm cha làm mẹ, thiếu quan tâm tới đời sống tâm lý của con nên khiến cho nhiều trẻ cảm thấy bị  lạc lõng, hụt hẫng dẫn đến sự biến đổi nhân cách. Việc cung cấp cho trẻ đủ đầy thậm chí là thừa thãi các giá trị về vật chất mà thiếu đi sự quan tâm về đời sống tinh thần, tâm tư của con cái là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về nhân cách, biểu hiện là các thói ăn chơi, lêu lổng - mầm mống của bạo lực học sinh.

Về phía nhà trường, với giáo trình, phương pháp giảng dạy cũ kỹ thiếu trọng tâm. Đánh giá đạo đức học sinh có phần nhẹ tay, chủ quan, xử lý không nghiêm túc với những vụ việc bạo lực gần đây  nên thiếu sự cảnh tỉnh, răn đe đối với một bộ phận giới trẻ không có ý thức tu dưỡng. Việc các thầy, các cô chỉ lo hoàn thành trách nhiệm giảng dạy kiến thức của bộ môn mình phụ trách, mà thiếu quan tâm, chú ý tới đời sống tâm lý của học sinh đã khiến cho mối quan hệ giữa học sinh và thầy cô trở nên hời hợt, mang nặng tính trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau.

Bạo lực học đường sẽ mãi là căn bệnh khó chữa và sẽ không thể chữa nếu như xã hội vẫn tiếp tục nhìn nhận việc ngăn chặn bạo lực học đường là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, một bộ phận nào đó trong xã hội. Cần phải có sự phối hợp gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể với sự chung tay của toàn xã hội trong cuộc chiến với bạo lực học đường.

Hồ Ánh Nguyên


 


Ý kiến của bạn
Tags: