Tuyết phủ trắng Sân bóng Fenway ở Boston (Mỹ) khi Kate Yohay đang ở quý thứ hai của thai kỳ. Sân bóng này đã trở thành địa điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 và Yohay vừa tiêm mũi đầu tiên. "Đó là một thời khắc lịch sử đối với tôi." – Yohay cho biết.
Yohay rất nhiệt tình đồng ý tiêm vaccine COVID-19. Cô cảm thấy tự tin vào sự phát triển của y tế thế giới và vaccine. Yohay được nhân viên y tế động viên tiêm phòng vaccine COVID-19 khi mang bầu để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Dù lo lắng nguy cơ bị sốt có thể gây ảnh hưởng không tốt cho con nhưng Yohay nói rằng "vẫn tốt hơn là bị nhiễm COVID-19". "Vì vậy, đối với tôi, đó là một rủi ro nhỏ" – Yohay nói.
Nhà khoa học Ifeyinwa Asiodu thuộc Đại học California, San Francisco (Mỹ) cho biết: "Tiêm vaccine COVID-19 là một trong những cách tốt nhất để bạn giữ an toàn cho bản thân và em bé trong đại dịch này".
Những rủi ro do nhiễm COVID-19 khi mang thai và chưa tiêm chủng đã được chứng minh một lần nữa trong một nghiên cứu gần đây từ Scotland. Từ tháng 12/2020 - hết tháng 10/2021, thời kỳ vaccine COVID-19 có sẵn, đã có 4.950 trường hợp nhiễm coronavirus ở phụ nữ mang thai được xác nhận. 77% xảy ra ở những thai phụ không được tiêm chủng, cùng với 823 trường hợp phải nhập viện và 104 trường hợp nhập viện chăm sóc đặc biệt.
Trẻ sơ sinh cũng bị như vậy. Tỷ lệ tử vong của trẻ sinh ra trong vòng 28 ngày kể từ khi mẹ chúng bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 là 22,6 trường hợp tử vong trên 1.000 ca sinh, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của tất cả trẻ sơ sinh trong đại dịch là 5,6 trên 1.000 trẻ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tất cả những trẻ tử vong trong quá trình nghiên cứu đều được sinh ra từ những phụ nữ không được tiêm chủng khi họ bị nhiễm COVID-19.
Các nhà khoa học vẫn đang làm sáng tỏ những gì đang xảy ra khi phụ nữ bị nhiễm SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai và tại sao biến thể Delta lại gây tử vong cao. Số ca tử vong cao nhất ở Mỹ đối với những người mang thai là 40 ca vào tháng 8 và 35 ca vào tháng 9, xảy ra trong đợt biến thể Delta tăng cao.
Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc những người mang thai sẽ như thế nào sau khi mắc biến thể Omicron đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến nghị phương pháp chờ và xem. Và vaccine tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong.
Chuyên gia y học bà mẹ - thai nhi Cynthia Gyamfi-Bannerman thuộc Trường Y khoa San Diego thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết: "Tất cả chúng ta đều đã thấy những kết quả tồi tệ với COVID và thai kỳ. Và chúng tôi biết một số hậu quả có thể ngăn ngừa được thế nào nhờ vaccine".
Mang thai là một thời điểm rủi ro nếu bị nhiễm trùng nói chung. Ví dụ, bệnh cúm và sốt rét có thể trầm trọng hơn ở những người đang mang thai hơn những người bình thường.
Nguy cơ đó gắn liền với những thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Andrea Edlow, chuyên gia y học về bà mẹ - thai nhi tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard ở Boston (Mỹ) cho biết: "Mang thai là một trạng thái miễn dịch rất phức tạp. Hệ thống miễn dịch cần bảo vệ người mang thai và bào thai của họ chống lại các tác nhân gây bệnh. Nhưng một số người có hệ thống miễn dịch nhất định bị ức chế phần nào để có thể chịu đựng được việc mang thai".
Những thay đổi sinh lý khi mang thai có thể cản trở cơ thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng. Chuyên gia Edlow cho rằng, hệ thống đông máu được tăng cường để sẵn sàng kiểm soát chảy máu khi sinh. Điều này đã khiến những người mang thai có nguy cơ cao bị đông máu, mà các mầm bệnh khác, trong đấy có SARS-CoV-2 gây ra.
Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, có bằng chứng cho thấy những người mang thai bị nhiễm COVID-19 có biểu hiện xấu hơn so với những người không mang thai. Các nhà nghiên cứu cho biết vào tháng 11/2020, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt và cần thông khí cao gấp 3 lần, nguy cơ sử dụng máy tim phổi cao gấp 2 và gấp gần 2 lần nguy cơ tử vong. Kết quả này được đưa ra sau khi tiến hành khảo sát 400 nghìn phụ nữ Mỹ từ 15 - 44 tuổi và được thực hiện từ tháng 1 - tháng 10/2020, trước khi có vaccine COVID-19.
Một nghiên cứu quốc tế về phụ nữ mang thai từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021 cho thấy những người nhiễm COVID-19 có nguy cơ bị tiền sản giật cao gấp 2 lần - một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, trong đó huyết áp tăng cao và gan, thận không hoạt động bình thường – so với các thai phụ không nhiễm COVID-19. Trong số 725 phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm COVID-19, có 59 người (hoặc 8%), phát triển tiền sản giật.
Và trong một nghiên cứu trên những người mang thai ở Mỹ từ tháng 3/2020 - tháng 9/2021, những thai phụ nhiễm COVID-19 có nguy cơ thai chết lưu cao gấp 2 lần so với những thai phụ không nhiễm COVID-19. Có 273 ca thai chết lưu trong số 21.653 ca sinh nở nhiễm COVID-19, chiếm 1,26% và 7.881 ca thai chết lưu trong số 1,2 triệu ca sinh nở không nhiễm COVID-19, tương đương 0,64%.
Khi biến thể Delta chiếm ưu thế mùa hè và mùa thu năm 2021, nguy cơ thai chết lưu tăng lên, nghiên cứu cho biết. Từ tháng 3/2020 - tháng 6/2021, trước khi biến thể Delta chiếm ưu thế, nguy cơ thai chết lưu cao hơn 1,5 lần đối với phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19. Từ tháng 7 - 9/2021, khi biến thể Delta thống trị, trong số 3.559 ca sinh nở thai phụ nhiễm COVID-19, có 96 ca (hay 2,7%) thai chết lưu. Trong số 169.330 ca sinh nở thai phụ không nhiễm COVID-19, 1.075 ca, hay 0,6%, là thai chết lưu.
Với virus SARS-CoV-2 và các biến thể ban đầu, việc nhau thai bị nhiễm trùng ở thai phụ nhiễm COVID-19 không phổ biến và thậm chí còn hiếm hơn trường hợp virus lây lan sang thai nhi.
Nhưng với biến thể Delta, số lượng virus trong cơ thể, hoặc tải lượng virus, cao hơn trong quá trình nhiễm trùng - các nhà nghiên cứu cho biết. Điều đó có thể làm tăng nguy cơ virus lây lan vào máu và lây nhiễm qua nhau thai – chuyên gia Edlow nói.
Một nghiên cứu được thực hiện trên ba phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng bị nhiễm biến thể Delta ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ ba. Trong vòng hai tuần kể từ khi được chẩn đoán, 2/3 phụ nữ này bị thai chết lưu và một em bé được sinh sớm bằng phương pháp phẫu thuật lấy thai khẩn cấp. Cả ba phụ nữ đều bị nhiễm trùng nhau thai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiêm chủng COVID-19 là an toàn trong thai kỳ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 194 nghìn thai phụ ở Mỹ đã được tiêm vaccine COVID-19 tính đến ngày 31/1/2022. Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên Tạp chí Y học New England (Anh) cho biết rằng gần 2.500 người thai phụ nhiễm COVID-19 không gặp nguy cơ sẩy thai sau khi tiêm chủng.
Nghiên cứu của Mỹ trên 40 nghìn phụ nữ mang thai không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc tiêm phòng COVID-19 và sinh non (sinh trước 37 tuần) hoặc so với tuổi thai nhỏ, khi cân nặng của trẻ sơ sinh ở mức thấp.
Ngược lại, sinh non, thai chết lưu, kết quả thai nghén bất lợi, nguy cơ ở người mẹ, tất cả đều có liên quan rõ ràng đến việc mắc COVID-19.
Đối với các phản ứng sau tiêm chủng, một nghiên cứu trên 17 nghìn thai phụ, bà mẹ đang cho con bú hoặc dự định mang thai cho thấy hầu hết các trường hợp bị đau tại vị trí tiêm, gần 1/3 cảm thấy mệt mỏi. Các nhà nghiên cứu báo cáo trên tạp chí JAMA Network Open cho biết, những người tham gia nghiên cứu đang mang thai ít có nguy cơ bị sốt hơn sau khi tiêm so với những người đang lên kế hoạch mang thai.
Trong số những người đang cho con bú, 339 trong số 6.815 sau liều vaccine đầu tiên và 434 trong số 6.056 sau liều vaccine thứ hai báo cáo nguồn sữa của họ chỉ bị giảm dưới 24 giờ.
Tiêm vaccine COVID-19 khi mang thai cũng có tác dụng bảo vệ em bé, vì các kháng thể sau khi tiêm có thể đi qua nhau thai. Các kháng thể cũng được tìm thấy trong sữa mẹ của những người được tiêm chủng khi đang cho con bú.
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?