Mang thai ở tuổi vị thành niên là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2013. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA, không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mang thai ở tuổi vị thành niên làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo... Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển.
Nhìn ra thế giới…
Theo số liệu của UNFPA, hiện có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Trong số đó có hàng triệu trẻ em gái phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi; phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ. Cụ thể, trên toàn cầu, cứ 3 nữ thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 thì có 1 người (tương đương với khoảng 70 triệu người) kết hôn trước lần sinh nhật thứ 18. Nếu xu hướng hiện nay không được cải thiện, trong vòng một thập kỷ tới sẽ có 142 triệu trẻ em gái kết hôn trước khi bước sang tuổi 18 (tính tới thời điểm năm 2020). Điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có 14,2 triệu trẻ em gái, hay mỗi ngày sẽ có 39 ngàn trẻ em gái kết hôn trước khi bước sang tuổi 18.
Bên cạnh đó, hàng năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15 - 19 sinh con và cứ 10 trẻ vị thành niên (VTN) thuộc nhóm này thì có 9 VTN đã lập gia đình. Khu vực châu Phi thuộc tiểu vùng Sa mạc Shahara là nơi có tỷ lệ sinh ở tuổi VTN cao nhất với 120 trẻ/1.000 trẻ VTN trong độ tuổi từ 13-19. Ở khu vực châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean, tỷ lệ sinh con ở tuổi VTN vẫn ở mức cao và chỉ mới bắt đầu giảm gần đây. Tương tự, số lượng bà mẹ sinh con ở tuổi VTN tại các nước ở khu vực Đông Nam Á hiện vẫn rất cao.
Tư vấn cho các em học sinh về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ảnh: T. Hòa |
Đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo thai không an toàn ở trẻ em gái VTN và nữ thanh niên trẻ cao; ước tính năm 2008 số ca nạo thai không an toàn ở VTN trong độ tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển khoảng 3 triệu ca; thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi...
Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển. Cần đầu tư nhiều hơn vào trẻ em gái vì lợi ích của chính các em. Các em gái được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng. Các em cũng có thể sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn việc sinh con ở tuổi muộn hơn, sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn và có khả năng có thu nhập cao hơn. Các em có thể tự giúp mình và gia đình của mình thoát khỏi đói nghèo. Các em sẽ chính là động lực tạo ra những sự thay đổi cho cộng đồng và cho các thế hệ tương lai. |
… và Việt Nam
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Cụ thể, báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây cho thấy, thực trạng phá thai to ở VTN chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai; các trường hợp phá thai to trên gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên. Còn theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc SKSS TP. Hồ Chí Minh năm 2012, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp nạo phá thai, trong đó 2,4% là VTN… Điều đáng lưu ý, đây mới chỉ là thống kê từ các bệnh viện khu vực Nhà nước, còn số liệu từ các bệnh viện tư, phòng khám tư thì không thống kê được.
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở VTN Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của VTN về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Theo các chuyên gia y tế - dân số, với con số mang thai VTN và nạo hút thai nêu trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Khuyến nghị của UNFPA
Không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mang thai ở tuổi VTN làm mất đi tiềm năng ở các em, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất hoặc hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống hay khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo... Do đó, theo khuyến nghị UNFPA:
Chúng ta cần thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái VTN, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em. Việc này sẽ tạo ra vô số các tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi VTN - một tình trạng có thể dẫn tới nhiều nguy hiểm cho các em.
Thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ SKSS và dịch vụ phòng chống HIV cho VTN. Cần đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp tới VTN một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.
Ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học. Giải quyết các nguyên nhân cơ bản khiến hiện tượng kết hôn sớm vẫn còn tồn tại, xác định các biện pháp thay thế và tạo cơ hội cho các em gái có nguy cơ cao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cộng đồng nhằm tạo sự hỗ trợ cho những động thái này.
Ủng hộ việc thực hiện các chương trình mang lại nhiều tác động tích cực trong đó xác định được các đối tượng và xây dựng giá trị của nhóm trẻ em gái VTN có nguy cơ phải kết hôn sớm và có thai ngoài ý muốn. Tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn, đồng thời đây là nơi thực hiện nội dung các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe các em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
(Nguồn: Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA)
BS. Mai Xuân Phương
(Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ)