Những thai nhi này đã được 21 tuần tuổi. Đây là kết quả một ca thụ tinh nhân tạo, Raunigk nhận cả trứng và tinh trùng của người khác. Raunigk đã trải qua 18 tháng làm các thí nghiệm và mất khoảng 15 nghìn bảng Anh (khoảng 450 triệu đồng) cho công việc này tại một bệnh viện ở Kiev, Ukraine. Các bệnh viện tại Đức và một số nước châu Âu khác không nhận yêu cầu thụ tinh của Raunigk do bà đã quá lớn tuổi.
Từ nhiều năm nay, Raunigk đã là mẹ đơn thân. Bà chỉ kết hôn một lần và nhận thấy mình không tìm được một người đàn ông phù hợp. Raunigk có tất cả 13 đứa con, thông qua thụ thai tự nhiên với 5 người đàn ông khác nhau và thụ tinh nhân tạo. Con cả của bà hiện 44 tuổi còn con bé nhất hơn 9 tuổi. Raunigk đã có 7 đứa cháu gọi bằng bà.
Năm 2005, khi sinh cô con gái Leila, Raunigk trở nên nổi tiếng, được báo chí tung hô, được chúc mừng là người mẹ già nhất nước Đức. Lần mang thai này dù sắp đưa Annegret Raunigk lập kỷ lục thế giới mới nhưng lại vấp phải những sự tranh cãi gay gắt về đạo đức. Nhiều người cho rằng Raunigk điên rồ và ích kỷ. Một kênh truyền hình Đức mời Raunigk đến phỏng vấn đồng thời mời một cặp vợ chồng sinh tư khi mẹ tròn 35 tuổi đến. Vợ chồng nhà nọ đều cho rằng nuôi bốn đứa trẻ sơ sinh rất vất vả. Người vợ không thể nuôi con một mình, chồng đã phải nghỉ việc 6 tháng để giúp vợ.
Tuy nhiên, bà giáo dạy tiếng Nga và Anh cho học sinh tiểu học đã về hưu nhiều năm tuyên bố mình không hề ích kỷ hay điên rồ. Raunigk thực sự yêu con nít và bọn trẻ giúp bà trẻ lâu. Raunigk không thấy có vấn đề về tuổi tác để tiếp tục làm mẹ lần nữa. Bà cho rằng mình vẫn đủ khả năng chăm sóc bốn đứa trẻ. “Tôi nghĩ rằng mỗi người đều nên có một quyết định của mình và không nên phụ thuộc quá nhiều vào những lời khuyên của người khác”, Annegret Raunigk tuyên bố.
Raunigk đã chuẩn bị cho sự ra đời của bốn con bằng cách kể với các anh chị của chúng hay khi chúng thành hình. Bà cũng mua một ngôi nhà lớn hơn ở Hoexter, một thị trấn nhỏ thuộc bang North Rhine-Westphalia, cách Berlin 400 km về phía tây và chuyển về đây sống. “Tôi muốn những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường yên tĩnh hơn ở Berlin”, Raunigk cho biết.
Các bác sĩ nói rằng chỉ có 1/13 triệu cơ hội cho Raunigk sinh tự nhiên. Những đứa trẻ ra đời quá sớm (dự kiến khi 29 tuần tuổi) chắc chắn sẽ phải sinh mổ dù 13 đứa trẻ trước đây, Raunigk đều sinh thường.
Tuy nhiên, Raunigk tự tin có thể sinh các con đủ tháng và tự nhiên: "Tôi có đủ kinh nghiệm sinh nên không phải lo lắng. Thực sự tôi không sợ hãi, tôi chỉ hy vọng đủ sức khỏe cho việc mang thai”. Bác sĩ của Raunigk, Kai Hertwig cũng đồng ý và nói thêm: "Cô ấy là một phụ nữ rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng cô ấy có thể mang thai đủ tháng".
Trái ngược với sự lạc quan của Kai Hertwig, tiến sĩ Holger Stepan, Trưởng khoa sản đại học Leipzig, cho biết: "Bất cứ thai kỳ của một phụ nữ trên 45 tuổi nào đều bị coi là có nguy cơ cao. Cơ thể 65 tuổi chắc chắn là không được thiết kế để mang thai và càng không phải để sinh tư".
Mới đây, Annegret Raunigk đã ký một hợp đồng với kênh truyền hình Đức RTL để độc quyền theo sát cuộc sống của bà trong suốt thời gian mang thai và nhiều chi tiết về cuộc sống tương lai sau này. Số tiền mà Raunigk nhận được từ RTL trên 100.000 bảng Anh (hơn 3 tỷ đồng).
Người phụ nữ đang giữ kỷ lục già nhất khi sinh 4 con là Merryl Fudel, sinh tư khi mẹ 55 tuổi. Còn Omkari Panwar, người Ấn Độ, được cho là sản phụ già nhất thế giới khi sinh con ở tuổi 70.