Mang thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa

08-06-2024 08:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mang thai ngoài tử cung là tình trạng khi trứng đã thụ tinh không làm tổ trong tử cung mà làm tổ ở những vị trí khác, phổ biến nhất là ống dẫn trứng. Đây là một tình trạng nguy hiểm và cần được phát hiện, xử trí kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

1. Nguyên Nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung

Dưới đây là 1 số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung:

Ống dẫn trứng bị viêm và có sẹo do thai phụ từng trải qua phẫu thuật hoặc bị nhiễm trùng trước đó. Sự thay đổi hoặc hoạt động bất thường của nội tiết tố. Dị dạng cơ quan sinh dục. Một số vấn đề có liên quan đến di truyền. Thai phụ đang mắc phải các tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng đến hình dáng hoặc hoạt động của ống dẫn trứng/ cơ quan sinh sản khác.

Mang thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành phẫu thuật xử trí khối chửa ngoài tử cung.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

- Lớn tuổi: Phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ chửa ngoài tử cung càng cao. Tiền sử mắc bệnh: Phụ nữ đã từng có một lần mang thai ngoài tử cung thì sẽ có 10% nguy cơ gặp lại tình trạng này trong lần mang thai kế tiếp.

- Nhiễm trùng: Phụ nữ đã từng bị viêm hoặc nhiễm trùng ống dẫn trứng, tử cung hoặc buồng trứng sẽ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn. Đặc biệt, viêm vùng chậu (PID) và viêm vòi trứng là hai tình trạng viêm nhiễm tác động rất lớn đến nguy cơ thai ở ngoài tử cung.

- Mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục: Một số bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) như bệnh lậu, chlamydia,…

- Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

- Đang điều trị vô sinh: Việc sử dụng thuốc kích thích rụng trứng trong quá trình điều trị vô sinh có thể khiến phụ nữ dễ mang thai ngoài tử cung hơn.

- Các bất thường ở ống dẫn trứng: Các bất thường này có thể do bẩm sinh hoặc phẫu thuật sẽ khiến nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn.

- Từng phẫu thuật ở vùng chậu: Việc mổ lấy thai hoặc phẫu thuật cắt bỏ u xơ cũng là các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này.

- Dùng thuốc tránh thai hoặc dụng cụ tránh thai (IUD): Việc sử dụng các biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

- Thắt ống dẫn trứng: Thắt ống dẫn trứng là phẫu thuật được thực hiện nhằm giúp phụ nữ tránh thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng sẽ khiến tỷ lệ thai ngoài tử cung cao hơn nếu sau đó thai phụ này mang thai.

2. Triệu chứng mang thai ngoài tử cung

Triệu chứng mang thai ngoài tử cung có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu, nhưng có một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

Mang thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 2.

Hình ảnh túi thai nằm ngoài tử cung.

- Đau bụng dưới: Đau bụng dữ dội hoặc đau bụng một bên kéo dài, có thể kèm theo táo bón cũng có thể là dấu hiệu nhận biết sớm đang mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn đau bụng kèm với tình trạng ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân thì cần đến khám sản phụ khoa càng sớm càng tốt.

- Ra máu âm đạo: Chảy máu âm đạo kéo dài, có màu sắc đỏ sẫm và không đông lại. Máu âm đạo có thể trùng vào đúng kì kinh của bạn nên khiến bạn dễ bị nhầm lẫn. Ngoài ra, còn 1 dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung là máu ra ít một, kéo dài nhiều ngày liên tục.

- Mệt mỏi, chóng mặt: Do mất máu hoặc thiếu máu, người phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt.

- Buồn nôn, nôn mửa: Triệu chứng này có thể tương tự như khi mang thai bình thường nhưng cần chú ý khi kèm theo đau bụng và ra máu.

- Nếu có dấu hiệu chậm kinh, thử thai 2 vạch nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ khoa để khám, siêu âm và mốc siêu âm đầu tiên để xác định vị trí túi thai là vô cùng quan trọng.

- Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thai ngoài tử cung có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như vỡ ống dẫn trứng, gây xuất huyết trong và đe dọa tính mạng người phụ nữ.

Cần lưu ý: Triệu chứng có thể không rõ ràng và nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

3. Có phòng ngừa được mang thai ngoài tử cung không?

Để phòng ngừa biến chứng từ mang thai ngoài tử cung, phụ nữ cần chú ý:

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra phụ khoa để phát hiện sớm những bất thường.

- Điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm: Chữa trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm vùng chậu, tránh để tình trạng kéo dài gây tổn thương ống dẫn trứng.

- Tránh hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, do đó nên từ bỏ thói quen này.

- Sử dụng biện pháp tránh thai an toàn: Nếu không có kế hoạch mang thai, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc có các yếu tố nguy cơ cao, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch theo dõi và chăm sóc phù hợp.

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Phụ nữ cần nâng cao nhận thức về tình trạng này và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.

Chủ quan không đi khám thai sản phụ nguy kịch vì mang thai ngoài tử cung đoạn kẽChủ quan không đi khám thai sản phụ nguy kịch vì mang thai ngoài tử cung đoạn kẽ

SKĐS - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu kịp thời trường hợp bệnh nhân thai ngoài tử cung đoạn kẽ phải.




ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoài
Phó trưởng khoa Phụ ngoại bệnh viên Sản nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn