Mang thai hộ – vẫn cần có thời gian

21-04-2015 13:56 | Thời sự

SKĐS - Ngay sau khi nghị định 10/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015 về việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM là 1 trong 3 bệnh viện đầu tiên trên toàn quốc được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ...

Ngay sau khi nghị định 10/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015 về việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP.HCM là 1 trong 3 bệnh viện đầu tiên trên toàn quốc được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ, rất đông người có nhu cầu tìm đến hoặc gọi điện để được tư vấn với mong muốn được thỏa nguyện làm cha, làm mẹ... Tuy nhiên, dù đã sớm triển khai để có phương án thực hiện nhưng bệnh viện vẫn lúng túng vì một số quY trình, quY định chưa được rõ ràng, cần có thông tư hướng dẫn cụ thể...

Mang thai hộ - nhu cầu thiết thực

Tôi có người bạn làm bác sĩ của một bệnh viện phụ sản tại TP.HCM. Khi biết tôi quan tâm, tìm hiểu để viết bài về đề tài này, anh kể cho tôi nghe khá nhiều trường hợp mà anh đã gặp ở các cặp vợ chồng hiếm muộn… “Mang thai hộ là một phương pháp mà một số đôi vợ chồng hiếm muộn muốn áp dụng, xác xuất thành công có tỉ lệ cao hơn các phương pháp khác nhưng ẩn sau nó có những vấn đề nan giải”, anh cho biết.

Anh T.H.T và chị N.T.H nhà ở Bình Thạnh cưới nhau đã 6 năm mà chưa có được mụn con. Sau một thời gian “chữa nam trị bắc” mà không có kết quả, qua tư vấn của một người quen, hai vợ chồng quyết định chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm rồi sau đó, nhờ chính chị ruột của chị H mang thai hộ… Tuy nhiên, vì khi ấy, pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một phần công đoạn phải thực hiện bên Thái Lan. “Việc thuyết phục hai bên gia đình không phải là đơn giản. Chị ruột của chị H đã có chồng, có một đứa con nhưng hai vợ chồng nay đã ly hôn nên khi ngỏ ý cần sự giúp đỡ, chị không gặp trắc trở từ người chồng của bà chị. Bà chị ruột thương em, chỉ hơi ngại ngần lúc ban đầu nhưng sau đó thì gật đầu chấp thuận. Tuy nhiên, ngay khi mới đặt vấn đề với mẹ chồng, bà đã bác thẳng thừng. Phải mất đến hơn hai tháng trời nhỏ to tâm sự, năn nỉ ỷ ôi, khóc hết nước mắt, bà mẹ mới miễn cưỡng cho làm”, chị H kể lại. Tiếp theo, mọi công đoạn thụ tinh trong ống nghiệm cho đến việc chuyển phôi vào trong tử cung của người chị đều được tiến hành bên Thái Lan dưới cái tên của chính chị H, sau đó về lại Việt Nam để chờ ngày sinh nở. “Và để có được đứa con thỏa niềm mong đợi, vợ chồng em phải chi ngót nghét hơn nửa tỉ đồng. Trong đó, chi phí ăn ở và chi phí bệnh viện bên Thái đã mất gần 400 triệu”, H sung sướng thổ lộ sau ngày được chính tay bồng bế đứa con yêu quý của mình…

Chị H còn được xem là may mắn vì được chính chị ruột của mình thuận lòng giúp đỡ. Anh bạn tôi cho biết: ngay từ khi nghị định 10 còn nằm trên bàn dự thảo, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã cố gắng mò mẫm tìm người để mang thai hộ. Trên thực tế, mang thai hộ từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không phải là chuyện khó thực hiện nhưng điều khó ở đây là những yếu tố pháp lý xung quanh. Không phải dễ dàng tìm được người thích hợp để mang thai hộ, nhất là người ấy phải là bà con thân thích cùng hàng… “Nhiều người còn chưa hiểu mang thai hộ là như thế nào, dư luận xã hội sẽ ra sao, thấy mang bầu lùm lùm ra đó rồi mai mốt người ta hỏi con đâu lại mất công giải thích. Rồi đứa trẻ đẻ ra là con tôi hay con chị… Hay rắc rối hơn nữa, lỡ đứa con đẻ ra giống chồng của chị như đúc thì thiên hạ sẽ dị nghị đủ điều…”, anh bạn bác sĩ chia sẻ.

Trước đây, Thái Lan được xem như là một quốc gia lý tưởng cho việc lách luật đẻ thuê. Điển hình là vào cuối năm 2011, cảnh sát Thái đã bóc gỡ một đường dây đẻ thuê với sự tham gia của 10 phụ nữ đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi cảnh sát hoàng gia Thái Lan phát hiện, chuyển giao 10 phụ nữ Việt về nước, mọi chuyện tưởng như có phần im ắng nhưng sự thật, nhu cầu về vấn đề các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn tìm người mang thai hộ vẫn là điều thiết thực. Mới đây, nghị định 10/2015/NĐ-CP đã mở ra cánh cửa cho phép thực hiện ước mơ chính đáng của nhiều gia đình khó khăn trong vấn đề sinh đẻ, tuy nhiên, việc thực hiện đòi hỏi còn phải có thời gian...

Còn cần phải có lộ trình

Khoa hiếm muộn, lầu 3 khu M, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, mới sáng sớm đã chật cứng người. Người ngồi hết các hàng ghế chờ, kín các dãy ghế phụ, tràn ra cả hành lang và thang bộ, khuôn mặt ai cũng đầy vẻ bồn chồn lo lắng. Thế mới biết, nhu cầu để có một đứa con của nhiều gia đình lớn đến nhường nào. Gặp gỡ phóng viên Sức khỏe & Đời sống cuối tuần, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, để sớm thực hiện nghị định 10 về quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bệnh viện đã sớm đã triển khai xây dựng quy trình và các thủ tục để thẩm duyệt hồ sơ cho những cặp vợ chồng có nhu cầu từ khám sàng lọc, tư vấn về tâm lý, hướng dẫn về pháp lý…

“Cái khó ở đây là khó về vấn đề hồ sơ, thủ tục, đòi hỏi trách nhiệm của bệnh viện rất cao”, bác sĩ Tuyết cho biết: “Mặc dù nghị định đã cho phép nhưng cho đến nay, bệnh viện chưa tiếp nhận giấy tờ của bất kỳ một trường hợp nào vì các thủ tục giấy tờ chưa rõ ràng, chưa có thông tư hướng dẫn từ Bộ. Bây giờ mới họp là hội đồng khoa học kỹ thuật, thông qua những chỉ định cụ thể. Theo đúng quy định, các cặp vợ chồng vô sinh đề nghị được mang thai thai hộ vì mục đích nhân đạo phải gửi hồ sơ đến bệnh viện. Hồ sơ cần có bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có chuyên môn về tâm lý và bản xác nhận về pháp lý của luật sư hay hay luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý”. Cũng theo bác sĩ Diễm Tuyết, mặc dù bệnh viện rất tích cực triển khai công tác thực hiện theo nghị định 10: ký hợp đồng với chuyên gia tâm lý, chuyên gia về pháp lý, sau đó chuyên gia về pháp lý mới xây dựng một hợp đồng dân sự để làm cơ sở giải quyết về sau… nhưng khả năng trễ nhất đến tháng 6 thì mọi việc mới rõ có thể tiến hành.

Trên thực tế, nghị định 10/2015/NĐ-CP mang thai hộ có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn: nhiều gia đình đứng trên bờ vực ly tán vì người phụ nữ không có tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hoặc bị cắt tử cung không sinh được con, sảy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Những người này đã có thể hy vọng tìm đến giải pháp nhờ người mang thai hộ để có được con. Tuy nhiên, bên cạnh đó không phải là không có những vấn đề rắc rối đi kèm như: tìm người thân thích cùng hàng đã khó, vấn đề chăm sóc phụ sản trong thời gian mang thai nào phải đơn giản. Đó là chưa kể vấn đề về thủ tục pháp lý nhiêu khê và những cái hậu sau này…

Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tếvà chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Nghị định giải thích người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

 

NHẤT LANG

 

 


Ý kiến của bạn