Tôi đang mang thai tháng thứ 7, vẫn ăn uống bình thường nhưng khoảng 1 tuần nay tôi bị táo bón. Vậy đối với người mang thai nên dùng thuốc chống táo bón nào?
Đỗ Thị Bình (Thanh Chương-Nghệ An)
Táo bón xảy ra khá phổ biến trong thời kỳ mang thai, nhất là ở những tháng cuối. Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 11-35% số phụ nữ mang thai bị táo bón trong 3 tháng cuối, tuy nhiên chỉ có khoảng 1,5% số trường hợp phải dùng thuốc nhuận tràng. Nguyên nhân là do những thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai, ngoài ra còn do việc uống viên sắt để bù sắt, chế độ ăn ít chất xơ, giảm hoạt động thể lực, sự chèn ép của thai và yếu tố tâm lý.
Để điều trị táo bón, trước hết người bệnh cần tạo thói quen đi ngoài đều đặn, tốt nhất là vào buổi sáng và sau các bữa ăn vì lúc này đại trực tràng có nhu động mạnh nhất. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý uống nhiều nước, ăn tăng chất xơ và có chế độ vận động phù hợp. Các chất xơ từ ngũ cốc, cam, chanh và cây họ đậu có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và hiệu quả khá tốt trong điều trị táo bón. Với những biện pháp không dùng thuốc này, biểu hiện táo bón thường bắt đầu giảm dần sau 3-5 ngày và hết hẳn sau 2-3 tuần. Khi những biện pháp nêu trên không tác dụng mới cần dùng đến các thuốc nhuận tràng. Các thuốc này thường có hiệu quả tương đối sớm, sau 1-3 ngày.
Táo bón xảy ra khá phổ biến trong thời kỳ mang thai, nhất là ở những tháng cuối. Ảnh: minh họa
Nhiều loại thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng an toàn ở phụ nữ có thai như sorbitol, lactulose, polyethylene glycol, senna (cây muồng), bisacodyl, macrogol... Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý tới các tác dụng phụ do thuốc nhuận tràng gây ra. Ví dụ, sorbitol và lactulose có thể gây trướng bụng, đầy hơi, buồn nôn và nôn, bisacodyl và macrogol có thể gây ra co thắt đại tràng và các cơn đau bụng.
Ngoài ra, do có chứa cả đường galactose và lactose nên lactulose cần được dùng thận trọng ở những người bị đái tháo đường. Không được dùng thuốc nhuận tràng như dầu thầu dầu vì có thể gây co cơ tử cung và các loại muối tăng thẩm thấu như magne sulfate gây các rối loạn nước điện giải cho phụ nữ có thai.