Mang tật vì… sẹo

22-12-2014 09:06 | Y học 360
google news

Với các chấn thương, đặc biệt là vết phỏng, ở những vùng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động, việc làm lành vết thương thôi vẫn chưa đủ.

Các bác sĩ (BS) cho biết nếu được tập vật lý trị liệu đúng cách từ khi vết thương mới lành, các cháu bé có thể tránh được những di chứng nặng nề và sẽ không phải trải qua quá nhiều cuộc phẫu thuật lúc tuổi còn nhỏ.

Chịu đựng nhiều cuộc phẫu thuật

Bé H.N (5 tuổi) đã nhiều lần được mẹ đưa từ Lâm Đồng đến TPHCM để tham gia các đợt phẫu thuật từ thiện. Bé bị phỏng một vùng lớn khắp vai, ngực, lưng, tay và thường được mẹ bôi nghệ với hy vọng thịt da sẽ lành lại.

Nhà nghèo, sau khi bị phỏng nước sôi nặng hồi 1 tuổi, N. chỉ được điều trị ban đầu tại địa phương. Khi những vết phỏng lên da non, liền sẹo, gia đình cũng nghĩ thế là xong. Vài năm trôi qua, các vết sẹo cũ dần dần gây co rút và bắt đầu hạn chế nhiều chức năng ở phần thân trên của bé. Gia đình đã dò hỏi, tìm mua nhiều loại cây, cỏ theo kinh nghiệm dân gian để bôi trị sẹo cho N. nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Tình cờ đọc được thông tin về một đợt khám - phẫu thuật di chứng phỏng miễn phí cách đây mấy năm của Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, người mẹ mới vội đem con lên khám. Từ đó đến nay, N. đã trải qua khá nhiều cuộc phẫu thuật để giải phóng vùng nách, cẳng tay, một số vị trí trên bàn tay cùng nhiều bài tập vật lý trị liệu vất vả… Do N. bị co rút ở nhiều vị trí nên các BS chỉ có thể phẫu thuật từng vùng cơ thể một, đợi năm sau lành lặn rồi phẫu thuật tiếp phần khác.

Mang tật vì… sẹo
Phẫu thuật cánh tay bị co rút cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Phỏng càng sâu, nguy cơ di chứng càng cao

Theo các BS, một trong những loại sẹo thường để lại di chứng nhất là sẹo phỏng. Các BS của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cho biết N. không phải là trường hợp duy nhất mang tật vì sẹo phỏng.

Có em nhỏ bị phỏng ở cổ, bàn tay khiến các ngón dính lại với nhau và co quắp vào bên trong. Có em bị thương ở vùng ngực, nách khiến cánh tay dính hẳn vào người do vùng sẹo không lớn lên theo sự phát triển chung ở cơ thể, dần dần gây chèn ép các cơ quan xung quanh, cơ bắp teo tóp, hình dáng xương cũng bị ảnh hưởng…

“Vết thương do phỏng thường có diện rộng và tổn thương sâu, ảnh hưởng đến sự liên kết mô, dễ gây phản ứng quá phát của cơ thể trong quá trình lành sẹo, tức sẹo lành quá mức do sự phát triển mạnh của collagen và dẫn đến một vùng sẹo xấu, xơ cứng, từ đó đưa đến những di chứng không mong muốn”, TS. BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương (TPHCM), giải thích.

BS Khanh lưu ý tai nạn phỏng ở trẻ em thường nặng hơn người lớn bởi da trẻ mỏng hơn. Ngoài ra, nhiều dạng tai nạn có thể gây ra vết phỏng không rộng nhưng sâu, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân không đánh giá đúng tình trạng và tự chữa trị tại nhà. Ví dụ, vết phỏng do pô xe máy thường khá nặng. Trong trường hợp bị xe đè lên, dù chỉ khoảng vài giây, vết phỏng cũng dễ sâu vì pô có nhiệt độ rất cao. Phỏng hóa chất cũng có thể gây phỏng rất sâu. Vết phỏng càng sâu thì nguy cơ để lại di chứng càng cao nếu không được xử lý đúng cách.

Cụ thể hơn, theo BS Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chỉnh hình BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, sẹo phỏng ở trẻ em còn nguy hiểm ở chỗ nó tạo ra một vùng xơ cứng, không đàn hồi nên không theo kịp tốc độ tăng trưởng của cơ thể. Dần dần “chiếc áo quá chật” sẽ gây co rút, biến dạng các bộ phận liên quan nếu không được giải quyết kịp thời.

Khó “lội ngược dòng”

BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, cho biết có khá nhiều người bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt… nên mang vết thương sâu ở những vùng liên quan đến vận động như khu vực các khớp chân, tay, vai… Sau khi sẹo đã lành thì hiện tượng co rút, hạn chế cử động bắt đầu xảy ra. Nhiều người lúc đầu đến cơ sở y tế địa phương để điều trị vết thương, khi nặng quá mới vào BV.

Càng để tình trạng co kéo, mất hay giảm chức năng kéo dài, việc “lội ngược dòng” càng khó khăn, nhiều trường hợp phải phẫu thuật. Sau phẫu thuật giải phóng vùng khớp xương đó, bệnh nhân vẫn phải tập vật lý trị liệu. Việc này sẽ mất thời gian, công sức hơn nhiều bởi khi một vùng bị hạn chế hoạt động quá lâu, cơ sẽ bị co rút, xương khớp cũng bị ảnh hưởng… nên không thể vận động tốt như bình thường nữa.

 

Coi chừng vết thương nhiễm nọc độc!

BS Nguyễn Văn Thanh lưu ý những vết thương do động vật có nọc độc cắn, nhất là rắn, có khi nhìn trên da chỉ là vết cắn rất bé nhưng thương tổn thực sự bên trong rất sâu và rộng. Có bệnh nhân khi nhập viện thì phần chân bị rắn cắn đã hoại tử nặng. Nhiều trường hợp cần được tập vật lý trị liệu sau đó bởi tổn thương sâu và rộng do nọc độc cũng tương tự vết phỏng sâu hay vết thương bị nhiễm trùng, vết sẹo khi lành có thể ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động.

 

 

Người lao động


Ý kiến của bạn