Mang nguồn sáng cho người nghèo vùng cao

21-02-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Nhắc đến Vũ Mạnh Hà - Tiến sĩ y học đầu tiên của tỉnh Hà Giang và là tiến sĩ trẻ tuổi nhất ngành mắt cả nước thì rất ít người dân nghèo của tỉnh Hà Giang biết đến.

Nhắc đến Vũ Mạnh Hà - Tiến sĩ y học đầu tiên của tỉnh Hà Giang và là tiến sĩ trẻ tuổi nhất ngành mắt cả nước thì rất ít người dân nghèo của tỉnh Hà Giang biết đến. Nhưng chỉ cần gọi anh với cái tên thân thuộc “Hà mắt”, “Hà phaco” hay “bác sĩ đem lại ánh sáng cho người nghèo” là từ bệnh nhân nghèo trong tỉnh cho đến các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu trong nước đều biết đến anh.

Yêu từ mảnh đá

Nói đến lý do vì sao từ bỏ lời mời làm việc tại những bệnh viện lớn Trung ương, Hà cười: “Được sinh ra tại quê hương Nam Định, nhưng từ nhỏ đã theo cha mẹ lên miền núi cao Hà Giang. Lớn lên giữa vùng cao, cùng chịu chung cái đói, cái lạnh, cái nghèo với những đứa trẻ bản địa nên Hà “thấm” hết cái đó vào xương vào máu rồi. Vậy nên mình ở lại mong muốn sẽ chung tay cùng mọi người làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho người nghèo nơi đây”.

TS. Vũ Mạnh Hà (người cầm bằng khen) trong Lễ tuyên dương tài năng trẻ KHCN. Ảnh: KH

Năm 2003, khi bác sĩ Vũ Mạnh Hà cầm tấm bằng tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Nguyên lên “đầu quân” cho ngành y tế Hà Giang, lúc đó không chỉ ngành y tế miền biên giới này thiếu đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, mà ngay tại vùng đất Nam Định quê anh cho đến các bệnh viện tuyến Trung ương đều đang thiếu bác sĩ giỏi. Vậy mà Hà lại chọn con đường lập nghiệp theo tiếng gọi tình nguyện để lên gắn bó với mảnh đất biên cương nghèo khó. Nhận nhiệm vụ tại Khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh trong lúc còn bộn bề khó khăn, thiếu trang thiết bị lẫn các bác sĩ có chuyên khoa cao, vì vậy tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến cấp cứu các ca khó, người nghèo không có tiền về các bệnh viện lớn Trung ương để phẫu thuật nên phải cam chịu cuộc sống mù lòa, có những người phải mang dị tật cả đời do chăm sóc mắt không đúng cách... Tất cả những điều đó đã làm người thầy thuốc trẻ này đau đáu nhiều nỗi niềm, trăn trở cùng đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị. Vậy là “Hà mắt” quyết tâm bỏ qua những khó khăn về phần mình đang gặp phải để “khăn gói quả mướp” về các bệnh viện lớn, tìm các thầy giỏi để “tầm sư học đạo”, mày mò tự tìm đến các tổ chức, các nhà tài trợ trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tiền đi lại cho bệnh nhân nghèo những mong làm được điều gì nhỏ bé cho người dân nghèo Hà Giang.

Năng nổ, nhiệt tình, cộng với sức trẻ và sự vươn lên không mệt mỏi, sau hơn chục năm cống hiến, Khoa Mắt nơi Hà phụ trách đã có những chuyển biến đáng tự hào, các kỹ thuật khó từ Trung ương đã được Hà dày công học hỏi, đem về ứng dụng tại địa phương như: mổ quặm mắt bằng phương pháp xoay sụn mi, mổ mộng bằng phương pháp vá kết mạc tự thân; nối thông lệ quản đặt silicon trong chấn thương đứt lệ quản; đặt bi trên chóp cơ trong trường hợp bỏ mắt... Hà cũng đã ứng dụng thành công đề tài: “Nghiên cứu phẫu thuật đục thủy tinh thể tại tỉnh Hà Giang bằng hai phương pháp phaco”. Với kỹ thuật khó đang được các nền y học tiên tiến trên thế giới triển khai này, đề tài của Hà đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh xếp loại xuất sắc, năm 2010 tại Hội nghị Nhãn khoa châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hà là 1 trong 10 cá nhân được nhận giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu khoa học trẻ dưới 40 tuổi. Và cùng năm này, Hà được trúng tuyển và tham gia làm nghiên cứu sinh khóa 29 tại Trường đại học Y Hà Nội.

Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm Hà đã tổ chức từ 15 - 20 lượt khám và phẫu thuật miễn phí tại 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang, trực tiếp khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân trong toàn tỉnh, phẫu thuật giải phóng mù lòa miễn phí cho gần 5.000 người bệnh. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có hơn 1.000 đôi mắt mù lòa được đôi bàn tay của tiến sĩ Hà phẫu thuật đem lại ánh sáng, hơn 10.000 lượt người dân được Hà khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí. Bằng những việc làm đầy tình nhân ái và trí tuệ của mình, Vũ Mạnh Hà được giới nhãn khoa trong và ngoài nước biết đến và đặt cho anh cái tên “người thầy thuốc trẻ có đôi bàn tay vàng”.

TS. Vũ Mạnh Hà tư vấn cho người dân các bệnh về mắt. Ảnh: KH

Lên Hà Giang học kinh nghiệm chữa mắt

Bác sĩ Phạm Thị Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Giang cho biết: “Là người cùng công tác với bác sĩ Hà từ ngày đầu tiên Hà về làm việc, mình rất quý sự tận tụy với bệnh nhân, tận tâm với nghề, không ngừng học hỏi vươn lên trong chuyên môn, đặc biệt là Hà còn có cái “thiên bẩm” từ đôi bàn tay tài hoa trong từng đường mổ. Bởi với đôi mắt, mỗi lần phẫu thuật, mỗi đường dao rạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối mà còn là sự khéo léo trong từng động tác dù nhỏ nhất, đánh giá tình hình bệnh rất tinh tế. Ở Hà đã hội tụ đủ những yếu tố mà không phải bác sĩ nhãn khoa giỏi nào cũng có được. Trong khi các tỉnh thành trong cả nước phải gửi bác sĩ về tuyến Trung ương học tập, thì ngược lại, trong hai năm trở lại đây, thầy thuốc ở các bệnh viện Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước, rồi nước bạn Lào, Campuchia cũng gửi các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa lên với Bệnh viện Hà Giang để học tập kinh nghiệm từ bác sĩ Hà”.

Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận xét: “Là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, là người sáng lập, vận động và tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của tỉnh, liên tục được bầu là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của tỉnh từ năm 2010 đến nay, Hà luôn chủ động tích cực tổ chức các phong trào tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội. Hà chính là nhịp cầu nối các chương trình thiện nguyện của các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Mắt, các tổ chức phi Chính phủ FHF của Úc, tổ chức Vision care Hàn Quốc... lên với người dân nghèo Hà Giang. Không chỉ là một thầy thuốc trẻ đầy tài năng, một tiến sĩ y học đầu tiên của tỉnh, Hà còn là một tấm gương điển hình trong các phong trào an sinh xã hội, vượt mọi khó khăn để đem những điều tốt đẹp nhất đến cho người nghèo Hà Giang”.

Đồng hành, khơi dậy các chương trình thiện nguyện tới mọi người, mọi tổ chức cá nhân, Hà còn nhận đỡ đầu em Lý Thị Sửu, dân tộc Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn người dân tộc thiểu số ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang suốt 9 năm nay. Em Sửu kể: “Với em, anh Hà không chỉ là một người thầy thuốc giỏi đầy lòng nhân ái của người nghèo Hà Giang mà anh còn là một người anh, người cha trong gia đình luôn nuôi dưỡng, giúp đỡ, động viên, khích lệ, chỉ bảo để em xóa đi mặc cảm tự ti, dũng cảm bước ra khỏi bản làng heo hút mà vững bước vươn lên học tập, thi đỗ và hiện đang là sinh viên năm thứ hai của Học viện Hành chính Quốc gia. Anh là tấm gương gần gũi để em noi theo trong học tập và rèn luyện để đem tài năng và trí tuệ phục vụ đồng bào nghèo quê mình”.

Tháng 11/2014, niềm vui không chỉ đến với gia đình và đồng nghiệp của Hà mà nó còn là niềm vui của người dân nghèo Hà Giang khi anh bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ y học chuyên ngành Nhãn khoa. Hà nói: “Với người thầy thuốc, việc học hỏi, học tập và tự học luôn luôn phải song hành trong suốt quãng thời gian hành nghề. Vì vậy, Hà sẽ không ngừng trau dồi cho mình kiến thức chuyên môn để đem những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào phục vụ cho đồng bào nghèo Hà Giang, để đồng bào nghèo vốn đã thiệt thòi trong cuộc sống sẽ được chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe”. Để làm được điều đó thì người thầy thuốc không chỉ có trí tuệ, khối óc tài hoa mà phải có một trái tim nhân hậu, bao dung... Hà đã và đang học từ những người thầy đi trước để làm tốt được cả hai điều đó ngay tại mảnh đất biên cương còn nghèo khó này.  

  Kim Huệ

 

 

 


Ý kiến của bạn