Mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115 tp. Hồ Chí Minh: Cứu sống kịp thời bệnh nhân

18-12-2016 12:23 | Thời sự
google news

SKĐS - BS Huỳnh Công Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết cách đây vài ngày, vào lúc 21 giờ, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Xuyên Á nhận được cuộc báo có một thanh niên độ 20 tuổi bị TNGT do say rượu.

“…BS Huỳnh Công Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết cách đây vài ngày, vào lúc 21 giờ, Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của BV Xuyên Á nhận được cuộc báo có một thanh niên độ 20 tuổi bị TNGT do say rượu. Năm phút sau, đội cấp cứu có mặt tại hiện trường và ghi nhận bệnh nhân nằm sấp, bất tỉnh; chân phải gần đứt lìa, chỉ còn dính miếng da, mất nhiều máu.“Khi đó, đội cấp cứu đã kịp cố định cột sống cổ, cố định chân gãy và cầm máu cho nạn nhân. Ca mổ kéo dài bốn giờ, truyền bốn đơn vị máu. Hiện bàn chân bệnh nhân đã hồng hào, mạch rõ. Nếu cấp cứu chậm độ năm phút thì bệnh nhân có nguy cơ mất chân phải do hoại tử” - BS Chánh nói.

… BS Diệp Thành Tường, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức BV Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP.HCM), cho biết  mới đây Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của bệnh viện này cũng đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân hơn 50 tuổi lên cơn hen cấp, tím tái, khó thở. “Trong trường hợp không có Trạm vệ tinh cấp cứu 115 tại BV Đa khoa Sài Gòn, nếu Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đến trễ độ ba phút vì lý do nào đó thì bệnh nhân có nguy cơ chết não, phải sống thực vật, thậm chí có thể tử vong” - BS Tường chia sẻ.”(Được cứu chữa kịp thời nhờ trạm vệ tinh cấp cứu - Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25/5/2016)

Trên đây chỉ là một trong những rất nhiều điển hình về hiệu quả cấp cứu kịp thời, tận dụng thời gian “vàng” trong tiếp cận và cấp cứu người bệnh đã và đang diễn ra tại 21 điểm cấp cứu vệ tinh 115 của mạng lưới cấp cứu Thành phố. Hình ảnh này hoàn toàn mới lạ so với 2 năm trước đây, khi cả Thành phố chỉ có 1 trung tâm cấp cứu nằm trên địa bàn quận 10.

Những thách thức về hoạt động cấp cứu 115 của ngành Y tế Thành phố

Trong thời gian qua, cùng với các sở ban ngành của Thành phố, toàn ngành Y tế đã và đang nỗ lực hết mình nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh  lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh  có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Một vấn đề mà xã hội và người dân Thành phố rất quan tâm và còn gặp không ít khó khăn khi không may bị tai nạn hoặc bị bệnh nặng rơi vào tình trạng nguy kịch cần được các y bác sĩ sơ cấp cứu kịp thời và được đưa vào bệnh viện sớm nhất để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế của một thành phố đông dân nhất của cả nước với tình hình giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn, đây cũng là nỗi lo lắng của ngành Y tế thành phố trong thời gian dài nhiều năm qua. Với một Trung tâm cấp cứu 115 được thành lập năm 2013 còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc và nhiều năm không tuyển được bác sĩ về làm việc, nếu có cũng không gắn bó lâu dài với Trung tâm, không ít bác sĩ sau thời gian công tác đã xin nghỉ việc, và chỉ với một Trung tâm làm thế nào đáp ứng nhu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn rộng lớn với 24 quận, huyện của Thành phố.

Nghiên cứu học tập Mô hình cấp cứu ngoại viện trên thế giới:

Trên thế giới hiện nay, có 2 mô hình tổ chức cấp cứu ngoài bệnh viện:

(1) Mô hình SAMU (Service d'Aide Médicale Urgente). Mô hình này được triển khai ở một số nước như Pháp và một số nước ở Châu Âu. Với mô hình này, nhân viên cấp cứu và xe cấp cứu ngoài bệnh viện thuộc sự quản lý của bệnh viện, được phân công chịu trách nhiệm của từng khu vực. Khi nhận được yêu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện, bệnh viện điều động xe cứu thương chuyên dụng được trang bị đầy đủ như một phòng hồi sức cấp cứu lưu động, có thể can thiệp phẫu thuật trên xe và đội cấp cứu chuyên nghiệp là ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng, cả gây mê theo xe cứu thương đến hiện trường, tại hiện trường người bệnh sẽ được sơ cứu, nếu tình trạng nguy kịch thì được can thiệp điều trị ngay trên xe, kể cả phẫu thuật, sau đó vận chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

(2) Mô hình PARAMEDIC. Mô hình này được triển khai ở các nước như Anh, Úc, Canada, Mỹ và một số nước trong khu vực. Với mô hình này, hoạt động sơ cấp cứu ngoài bệnh viện không do bệnh viện mà do Trung tâm cấp cứu của Thành phố đảm trách, với nhiều trạm cấp cứu rải khắp Thành phố, mỗi trạm được trang bị xe cứu thương với các dụng cụ sơ cấp cứu cần thiết và nhân viên y tế chuyên trách sơ cấp cứu ngoại viện, còn gọi là Paramedic, là một chức danh nghề nghiệp mà ngành y tế Việt Nam chưa có mã đào tạo. Trong quá trình tiếp cận hiện trường và sơ cấp cứu, vận chuyển người bệnh xe cấp cứu luôn giữ liên lạc với trung tâm điều hành của Trung tâm cấp cứu để hướng dẫn xử lý trường hợp nặng.

Và vận dụng của ngành Y tế Thành phố trong triển khai mạng lưới Trạm cấp cứu vệ tinh 115 phù hợp thực tiễn của Thành phố

(1) Triển khai mạng lưới các Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 tại các BV trên địa bàn Thành phố

Để phát triển nhanh mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115, phục vụ nhu cầu của nhân dân, Ngành Y tế đã xây dựng 3 loại hình trạm cấp cứu vệ tinh để các bệnh viện chủ động đăng ký tham gia:

Loại hình 1: Bệnh viện chịu trách nhiệm hoàn toàn về tổ chức trạm vệ tinh: cơ sở hạ tầng, xe cấp cứu và đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện.

Loại hình 2: Bệnh viện chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, một phần về xe cấp cứu và đội ngũ nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện.

Loại hình 3: Bệnh viện chịu trách nhiệm cơ sở hạ tầng, Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm hoàn toàn về xe cấp cứu và nhân viên cấp cứu ngoại viện.

Đối với các bệnh viện không tham gia triển khai điểm cấp cứu 115 vệ tinh: đề nghị thành lập các tổ cấp cứu ngoài bệnh viện theo Quyết định 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ Y tế ban hành Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng tham gia các tình huống cấp cứu ngoài bệnh viện do Sở Y tế hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 điều động.

Ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh thứ 20 tại BV quận 4

Ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh thứ 20 tại BV quận 4

Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện sẽ tận dụng “thời gian vàng trong điều trị”; bố trí ê-kíp y bác sĩ, xe cấp cứu đảm bảo trực cấp cứu 24/24 giờ và xử lý cấp cứu nạn nhân không quá 5 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin.

Theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2016, sẽ thành lập 6 trạm cấp cứu vệ tinh, tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12/2016, với mô hình mới của Ngành Y tế triển khai, đã có 21 trạm cấp cứu vệ tinh được thành lập tại 4 cửa ngõ và trạm trung tâm (trong đó có 13 bệnh viện quận huyện, 2 bệnh viện thành phố, 5 bệnh viện tư nhân và 1 của trung tâm cấp cứu 115), dự kiến đến năm 2017 sẽ đảm bảo mỗi quận huyện đều có ít nhất 1 trạm cấp cứu vệ tinh (các huyện ngoại thành có địa bàn rộng sẽ có nhiều trạm cấp cứu hơn)  để có thể phục vụ nhân dân khi có yêu cầu gọi đến tổng đài 115.

Các trạm cấp cứu vệ tinh đều trang bị xe cấp cứu có các thiết bị phù hợp để cấp cứu ngoài hiện trường như máy thở, bình Oxy, bộ dung cụ cố định xương, thuốc cấp cứu... Trạm cấp cứu vệ tinh bệnh viện Thủ Đức còn trang bị thiết bị định vị để xác định vị trí người bệnh, xác định vị trí các xe cấp cứu để lựa chọn xe cấp cứu gần nhất đến cấp cứu người bệnh.

Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện Quận Thủ Đức trang bị định vị GPS

5 xe cấp cứu của bệnh viện bố trí 5 vị trí khác nhau trên địa bàn quận, hướng dẫn xe vị trí cần tiếp cận hiện trường khi có cuộc gọi cấp cứu 115

(2) Gắn việc cấp cứu ngoài bệnh viện với Quy trình Báo động đỏ nội viện và liên viện do Ngành Y tế triển khai

Với mục tiêu cứu sống người bệnh trong trường hợp nguy kịch, cần sự phối hợp tham gia, can thiệp của nhiều chuyên gia y tế đến từ các khoa trong bệnh viện, hoặc đến từ các bệnh viện đầu ngành của thành phố, ngành y tế đã xây dựng mô hình Báo động đỏ nội viện, báo động đỏ liên viện . Triển khai quy trình này buộc các bệnh viện phải luôn trong tình trạng sẵn sàng, tổ chức ê-kíp cấp cứu ngoài bệnh viện bất cứ lúc nào. Khi quy trình được khởi động thì các bệnh viện liên quan phải đặt nhiệm vụ ứng cứu lên hàng đầu với chuyên môn, kỹ thuật cao nhất.

Thực tế cho thấy, quy trình “báo động đỏ liên viện” mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tạo điều kiện cho các y sĩ, bác sĩ trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp qua thực tiễn cấp cứu người bệnh, giúp họ tự tin hơn trong công tác mà còn đặt bệnh viện luôn trong trạng thái chủ động, sẵn sàng cấp cứu người bệnh bất cứ hoàn cảnh nào; đồng thời tăng cường sự gắn kết, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các bệnh viện toàn thành phố. Đặc biệt, cái lợi lớn nhất và là hệ quả cuối cùng đó là tính mạng người bệnh được giành giật trong điều kiện y tế tốt nhất mà gia đình bệnh nhân lại ít tốn kém nhất. Các khâu trung gian, thủ tục hành chính… được cắt bớt hoặc làm sau để tận dụng “cơ hội vàng” cứu chữa người bệnh.

Vừa triển khai quy trình báo động đỏ nội viện, báo động đỏ liên viện kết hợp phát triển mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115, các trạm cấp cứu vệ tinh đã thực hiện rất hay mô hình báo động đỏ. Khi có trường hợp cấp cứu ngoài bệnh viện, trạm cấp cứu vệ tinh được cử đến hiện trường, nếu nhận định trường hợp nặng, cần huy động chuyên gia, ngay trên đường vận chuyển về bệnh viện, bác sĩ đã phát lệnh báo động đỏ nội viện hoặc liên viện, nhờ vậy, khi xe cấp cứu đưa bệnh nhân về đến nơi thì ê kíp các chuyên gia đã sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Hiệu quả bước đầu của Mạng lưới Cấp cứu vệ tinh 115 của Thành phố

Nếu so sánh với cả năm 2015, số cuộc gọi đến 115 là  9.795, và năm 2014 là 6805 cuộc gọi, thì chỉ trong 10 tháng năm 2016, mạng lưới cấp cứu 115 đã nhận được 11. 854 cuộc goi, tăng gần 200% so với năm 2014, chứng tỏ, người dân đã tin tưởng hơn vào mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố.

Với sự nỗ lực của các bệnh viện tham gia vào mạng lưới cấp cứu vệ tinh 115, nhờ sự kết hợp giữa công tác vận chuyển cấp cứu và mô hình báo động đỏ, từ khi triển khai đến nay, đã có 26 trường hợp bệnh nhân được cứu sống sau khi các đơn vị triển khai quy trình báo động đỏ. Trong đó, cứu sống bệnh nhân nhờ thực hiện báo động đỏ nội viện là 21 trường hợp, báo động đỏ liên viện là 6 trường hợp.

Những việc làm tiếp theo trong thời gian tới

Để mạng lưới cấp cứu 115 ngày càng hoạt động hiệu quả, sơ cứu, vận chuyển cấp cứu và đưa về bệnh viện để can thiệp kịp thời, Ngành Y tế sẽ triển khai các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới bao gồm việc thực hiện đề án đào tạo chuyên viên cấp cứu ngoại viện (Paramedic)- là một loại hình nhân viên y tế mà các nước phát triển đã có nhưng nước ta chưa có, nhưng lại phù hợp và rất cần cho sự phát triển bền vững của mạng lưới cấp cứu đang được hình thành tại thành phố;

Ngành Y tế sẽ xây dựng trung tâm điều hành mạng lưới cấp cứu “thông minh”. Trung tâm điều hành sẽ quản lý, giám sát hoạt động của các trạm, giám sát lộ trình xe cấp cứu. Khi có cuộc gọi đến, trung tâm điều hành vừa điều động xe từ các trạm, vừa kết nối với người bệnh (hoặc người nhà) để hướng dẫn xử lý trong thời gian chờ xe cấp cứu đến hỗ trợ. Việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh sẽ giúp mạng lưới cấp cứu vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, giúp cho ngườI dân khi có nhu cầu cấp cứu đều có thể được đáp ứng nhanh nhất, an toàn nhất, theo tiêu chí hiện đạI, thông minh mà Ngành Y tế đang triển khai cho tất cả các bệnh viện.

Mô hình trạm cấp cứu vệ tinh 115 của thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các bệnh viện là sự vận dụng sáng tạo của các mô hình đang triển khai trên thê giới, phù hợp với thực tế của thành phố, đáp ứng được nhu cầu của người dân khi có vấn đề sức khoẻ cần đến cơ sở y tế, tiếp cận người bệnh trong thời gian sớm nhất, tận  dụng “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân. Việc phát triển mạng lướI cấp cứu vệ tinh tạI các bệnh viện đạt hiệu quả nhờ vào sự năng động của các bệnh viện khi tham gia vào mạng lướI cấp cứu vệ tinh, đội ngũ cán bộ y tế tham gia vào mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện rất nhiệt tình, rất có trách nhiệm. Việc áp dụng quy trình báo động đỏ nộI viện, liên viện do Ngành Y tế ban hành vào hoạt động trạm cấp cứu vệ tinh là một sự kết hợp rất có ý nghĩa và đầu tiên trong cả nước, có hiệu quả thiết thực cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch và được Bộ Y tế nhân rộng trong toàn quốc.


Sở Y tế TP.HCM
Ý kiến của bạn