Mạng lưới các thành phố không khói thuốc (SCAN) gồm 300 thành phố ở châu Á-Thái Bình Dương
Tổng thống Mỹ Donald Trump lo lắng trước trào lưu thuốc lá điện tử
Tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về tác hại của thuốc lá. Người đứng đầu Nhà Trắng chia sẻ ông có một cậu con trai 13 tuổi và giống các bậc làm cha làm mẹ khác, ông rất lo ngại về trào lưu thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng xấu tới cậu bé. Cũng nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, tỷ phú Bloomberg đã bỏ ra hàng trăm triệu USD cho công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá trên thế giới.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp này, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Giám đốc CDC và Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ bày tỏ mối quan tâm tới y tế dự phòng, trong đó có phòng chống tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lo lắng về trào lưu thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng tới cậu bé Barron, con trai ông
Mạng lưới các thành phố không khói thuốc (SCAN) được thành lập đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, và mở rộng ra toàn châu Á-Thái Bình Dương. Biển hiệu “No Smoking”, “No Vaping” đồng nghĩa với việc bạn không được hút thuốc lá lẫn thuốc lá điện tử. Bởi thuốc lá điện tử vẫn sản sinh ra khói thuốc và gây độc hại tới sức khỏe người xung quanh.
Hút thuốc lá gây ô nhiễm không khí tới mức nào?
Có thể nhận ra một điều rõ ràng rằng ở các nước đánh thuế thuốc lá cao, xử phạt hút thuốc nơi công cộng nghiêm minh, tỷ lệ người hút thuốc ít thì các bệnh liên quan tới thuốc lá như ung thư phổi và xơ vữa động mạch giảm rõ rệt, và tuổi thọ người dân cũng cao hơn. Chẳng hạn như Singapore và Brunei có tuổi thọ cao nhất ASEAN, và hai nước này cũng có tỷ lệ hút thuốc lá thấp nhất. Mặc dầu còn nhiều nhân tố khác quyết định tới tuổi thọ, nhưng hút thuốc lá gây giảm tuổi thọ là điều chắc chắn. Những nước có tuổi thọ cao như các nước Bắc Âu cũng có tỷ lệ hút thuốc thấp và thuế thuốc lá cao. Với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, khói thuốc càng làm tăng thêm ô nhiễm và gánh nặng bệnh tật lên bầu không khí mà bạn thở. Không khói thuốc tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe bạn.
Thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy mỗi năm trên toàn thế giới
Hiện,ở Việt Nam, mức độ ô nhiễm không khí lên tới mức báo động tại Hà Nội và TP. HCM một phần do ảnh hưởng của các vụ cháy như cháy rừng ở Indonesia, cháy nhà máy phích nước Rạng Đông ở Hà Nội. Theo ước tính, trong tổng số các vụ hỏa hoạn trên thế giới thì nguyên nhân do sử dụng thuốc lá chiếm 10%. Mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 1,1 triệu vụ cháy. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, các nhà hàng, quán bar cho phép hút thuốc lá bên trong nhà có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 4,4 lần mức an toàn theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ. Những nhân viên làm việc trong các nhà hàng ô nhiễm khói thuốc nặng tiếp xúc với benzopyren- chất gây ung thư ngang với hút 1-2 bao thuốc 1 ngày.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterto được coi là người hùng của thành phố Davao không khói thuốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterto trước đây từng là Thị trưởng thành phố Davao. Ông là người đã biến Davao thành nơi 100% không có khói thuốc. Tới Davao, bạn không được phép hút thuốc và không có chỗ nào để hút thuốc. Ở đây không có khu vực dành riêng cho người hút thuốc nên không ai có thể hút thuốc. Còn thành phố Penang, Malaysia đưa ra khẩu hiệu “Hãy yêu thương chúng ta bằng cách không hút thuốc”. Sáng kiến không khói thuốc ASEAN còn bao gồm việc dỡ các biển quảng cáo thuốc lá, và không bắt tay với các công ty thuốc lá trong việc quảng cáo hay nhận tài trợ.
Mạng lưới di sản không khói thuốc ở ASEAN
Việc triển khai mô hình du lịch không khói thuốc đã được thực hiện tại các địa điểm di sản thế giới của ASEAN. Mạng lưới di sản không khói thuốc ở ASEAN đã góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa, giúp du khách có thể tận hưởng cảnh quan và kiến trúc tươi đẹp của các di sản ngàn đời. Hạ Long, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới đã gia nhập mạng lưới này bên cạnh Hội An và Nha Trang. Ngoài một số di tích tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội như đền Ngọc Sơn, Chùa Bà Đá, Nhà Hát Lớn, Nhà thờ lớn,... đã thực hiện mô hình du lịch không khói thuốc, sắp tới trang 360 độ của quận và Ban quản lý phố Cổ sẽ vận động để mở rộng mô hình sang các khu vực khác của phố cổ.
Sáng kiến di sản không khói thuốc đã làm tăng lượng khách du lịch tới các nước ASEAN
Theo ban quản lý di tích Apsara ở kỳ quan thế giới Angkor Vat của Campuchia, mô hình di sản không khói thuốc đã giúp tăng gấp đôi lượng khách du lịch tới đây. Trước đây, hàng năm lượng khách du lịch tới thăm Angkor khoảng 1,5-2 triệu người. Nhưng kể từ khi thực hiện môi trường không khói thuốc, năm 2018, lượng khách du lịch đạt 3 triệu người.
Thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc, tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây tổn hại khoảng 500 tỷ USD. Như vậy môi trường không khói thuốc không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân, tăng tuổi thọ, giảm thiệt hại kinh tế, mà còn giúp các ngành dịch vụ tăng doanh thu do tăng lượng khách, đồng thời tạo điều kiện để người hút thuốc cai nghiện dễ dàng hơn.
Bà Domilyn C.Villarreiz, Quản lý chương trình Môi trường không khói thuốc, Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á
PV: Xin bà cho biết, sau khi thực hiện môi trường không khói thuốc, sức khỏe của người dân tại mạng lưới các thành phố không khói thuốc đã được cải thiện rõ rệt thế nào?
Bà Domilyn C.Villarreiz: Tại thành phố Davao của Philippines, nhờ môi trường không khói thuốc, tỷ lệ người mắc bệnh do thuốc lá như ung thư phổi và bệnh tim mạch giảm xuống rõ rệt. Năm 2002, thành phố Davao trở thành nơi 100% không có khói thuốc. Trước đó, hàng năm có khoảng 100 người ở thành phố chết vì ung thư phổi thì sau đó, tỷ lệ này giảm xuống còn 30 người hoặc ít hơn. Các khách sạn, nhà hàng tỏ ra rất biết ơn với chương trình này vì lượng khách tới đây tăng lên rõ rệt, đặc biệt là các nhóm gia đình. Không còn bị ám mùi khói thuốc lên bàn ghế, khăn trải bàn,… các nhà hàng giảm được chi phí dành cho dọn dẹp vệ sinh.
PV: Hiện nay, với tình trạng ô nhiễm không khí ở một số nước ASEAN, đặc biệt gần đây tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội lên mức báo động, thì hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng xấu thế nào tới chất lượng không khí? Thậm chí gần đây, sau vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, các chuyên gia còn lo ngại về ô nhiễm thủy ngân trong không khí, thì bà có lời cảnh báo nào về ảnh hưởng của thuốc lá tới chất lượng không khí?
Bà Domilyn C.Villarreiz: Hút thuốc lá đương nhiên ảnh hưởng tới chất lượng không khí trong nhà, thậm chí ngoài trời xung quanh khu vực bạn hút. Hút thuốc ở vỉa hè, hay quán nước, nhà hàng sẽ làm giảm chất lượng không khí tại những nơi này, ảnh hưởng tới sức khỏe người xung quanh. Như vậy, có thể coi hút thuốc lá là một tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời xung quanh khu vực có khói thuốc. Trong thuốc lá chứa 7000 hóa chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, bao gồm 70 chất gây ung thư. Những chất độc hại có trong thuốc lá có thể kể đến như thủy ngân, CO, arsenic (hay còn gọi là thạch tín, loại chất thường được sử dụng trong thuốc diệt chuột),…