Hà Nội

Mang đến nụ cười toả sáng, tự tin cho trẻ khe hở môi – vòm miệng

30-05-2023 16:22 | Y tế

SKĐS - Khe hở môi – vòm miệng là dị tật bẩm sinh phổ biến thứ hai trên toàn cầu. Trung bình cứ 500 trẻ được sinh ra, có một trẻ mắc dị tật này. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 3.000 em sinh ra bị dị tật khe hở môi - vòm miệng...

Lần đầu tiên tổ chức Tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng

Thông tin trên được PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội), Chủ tịch Hội Răng - Hàm - Mặt Việt Nam chia sẻ tại cuộc họp báo phát động Tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện diễn ra ngày 30/5, do Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội) phối hợp cùng Tổ chức phi chính phủ Smile Train tổ chức nhằm hưởng ứng đề án Nâng cao năng lực khám chữa bệnh răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030 của Bộ Y tế.

"Tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và khuyến khích các gia đình tới những cơ sở uy tín, chất lượng tại Việt Nam để được tư vấn, khám và chữa một cách toàn diện nhất" - PGS.TS Trần Cao Bính nói.

Mang đến nụ cười toả sáng, tự tin cho trẻ khe hở môi – vòm miệng  - Ảnh 1.

14 tuổi, Phí Thị Hà Tr. (quê Nghệ An) được mổ lần thứ hai, 1 tuần trước để can thiệp khe hở môi. Bé đang tràn ngập hy vọng vào một tương lai tươi sáng với gương mặt thẩm mỹ hoàn chỉnh sau lần đầu tiên mổ thất bại.

Chị Phương, mẹ của bé Tr. kể, năm 3 tuổi, Tr. đã được mổ can thiệp khe hở môi, nhưng do gia đình không biết chăm sóc nên thức ăn trôi vào miệng ghép, khiến cho kết quả cuộc phẫu thuật đầu tiên không thành công. 11 năm qua, Tr. có phần tự ti vì gương mặt không hoàn chỉnh.

Trải qua cuộc phẫu thuật lần thứ hai vào ngày 24/4, Tr. còn cần thời gian để hồi phục, nhưng tâm lý của bé đã ổn định hơn. "Hy vọng con gái chúng tôi sẽ có được gương mặt tươi tắn, nụ cười tự tin hơn"- chị Phương tâm sự.

Theo PGS.TS Trần Cao Bính, dị tật khe hở môi – vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trẻ có thể có khe hở môi hoặc vòm miệng, hoặc kết hợp cả hai. Khe hở môi – vòm miệng có thể gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn-bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý,…

"Điều trị khe hở môi – vòm miệng có thể liên quan đến nhiều chuyên khoa như phẫu thuật hàm mặt, nắn chỉnh răng, thính học, ngôn ngữ, nhi khoa. Việc điều trị có thể kéo dài nhiều năm, kết hợp nhiều hoạt động điều trị. Do đó, sự chăm sóc xuyên suốt của gia đình và cơ sở y tế là rất cần thiết"- PGS.TS Trần Cao Bính nói.

Mang đến nụ cười toả sáng, tự tin cho trẻ khe hở môi – vòm miệng  - Ảnh 2.

Các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn nhận quà của Ban Tổ chức tại Lễ phát động.

Giúp trẻ không may mắn tiếp cận với phương pháp điều trị an toàn, xuyên suốt

Chia sẻ tại chương trình, bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Smile Train tại Việt Nam kể lại câu chuyện có gia đình ở miền núi đưa con nhỏ bị dị tật khe hở môi – vòm miệng tới khám, tuy nhiên do cháu còn quá nhỏ, chưa thể phẫu thuật, các bác sĩ hướng dẫn gia đình cần chăm sóc dinh dưỡng để bé lớn thêm, đủ sức khoẻ mới có thể phẫu thuật. Tuy nhiên bố em bé buồn và hỏi khi quay lại có được phẫu thuật miễn phí không? Bác sĩ phải giải thích là chương trình triển khai quanh năm, người bố mới yên tâm đưa con về.

Đến nay đã có gần 30.000 ca đã được phẫu thuật khe hở môi – vòm miệng, riêng 3 bệnh viện tại Hà Nội là Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội), Bệnh viện Nhi Trung ương và BVĐK Hà Đông là 100-200 ca/ tháng, có trẻ do dị tật phức tạp nên có thể phẫu thuật 2-3 lần. 

Tuy nhiên, theo bà Huyền Trang đây mới là số lượng rất ít ỏi, các chuyên gia và Smile Train rất mong có nhiều gia đình mang con khe hở môi-vòm họng đến để phẫu thuật. Tới đây, bên cạnh điều trị phẫu thuật, Smile Traine đang kết hợp với các bệnh viện xây dựng quy trình chuẩn, đưa ra truyền thông đúng đắn để giúp các bé ngoài phẫu thuật sẽ được điều trị chỉnh nha, ngữ âm trị liệu để phục hồi hoàn toàn chức năng thẩm mỹ.

"Các gia đình hãy không bỏ cuộc, chúng ta không bỏ cuộc, các bác sĩ còn làm việc thì chúng tôi cam kết từng bước phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện đối tác để ngoài phẫu thuật khe hở môi- vòm miệng, sẽ tiến hành các hoạt động khác bao gồm chỉnh nha và ngữ âm trị liệu miễn phí cho trẻ em"- bà Huyền Trang nói.

Mang đến nụ cười toả sáng, tự tin cho trẻ khe hở môi – vòm miệng  - Ảnh 3.

Khám miễn phí cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, sự chung tay của nhiều thành phần trong xã hội sẽ góp phần lan tỏa những cử chỉ nhân ái tới nhiều người hơn. Qua đó, những người kém may mắn, đặc biệt là trẻ em, sẽ có thể tiếp cận với phương pháp điều trị an toàn, chất lượng, và có tính xuyên suốt cao.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng ghi nhận và đánh giá cao Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW (Hà Nội) đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, điều này không chỉ giúp người dân được thụ hưởng y tế chất lượng cao mà còn khẳng định trình độ của chuyên ngành răng - hàm - mặt Việt Nam.

Trong thời gian tháng 6 đến đầu tháng 7/2023, có 8 trong số 15 bệnh viện đối tác của tổ chức nhân đạo Smile Train sẽ tham gia triển khai khám và phẫu thuật quy mô lớn tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Huế, và Đắk Nông. Tất cả các bệnh nhân mắc dị tật khe hở môi – vòm miệng trên 3 tháng tuổi đều có thể đăng ký tham gia và đều được miễn phí hoàn toàn.

Những bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật (do thiếu cân, thiếu tháng, sức khỏe yếu,…) sẽ được tư vấn chăm sóc để phục hồi đủ điều kiện và xếp lịch phẫu thuật trong thời gian sớm nhất.

Dù chuyển từ bệnh nhóm A xuống nhóm B thì COVID-19 vẫn có tính đặc thùDù chuyển từ bệnh nhóm A xuống nhóm B thì COVID-19 vẫn có tính đặc thù

SKĐS - Mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B.





Thái Bình
Ý kiến của bạn