Mang ánh sáng đến với người khiếm thị

16-12-2019 06:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Ước mơ thư viện sách nói dành cho người khiếm thính đã trở thành hiện thực tại Việt Nam từ năm 2009.

Với vài cú nhấp chuột, độc giả khiếm thị có thể được “đọc” nhiều đầu sách chọn lọc từ kho văn học Việt Nam (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười, truyện lịch sử...) đến văn học nước ngoài và nhiều đầu sách nói có đề tài tổng hợp về du lịch, danh nhân, nghệ thuật sống, y học, khoa học, sách giáo khoa...

Đối với người sáng mắt, sách nói là một điều có vẻ thừa thãi. Nhưng với người khiếm thị, sách nói là một kho báu. Nhưng những người khiếm thị như lạc lõng giữa một thế giới khác, không biết gì về thiên nhiên, không biết gì về những điều xảy ra xung quanh trong cuộc sống... Những điều bình thường nhất cũng không thể nào biết được, không thể tưởng tượng ra. Cuộc sống lại buồn bã trôi qua, họ luôn sống khép kín, xa lánh mọi người bình thường khác. Nhưng từ khi có sách nói, họ có thể hình dung thế giới xung quanh như thế nào qua những giọng đọc truyền cảm, có thể đến trường học tập hòa nhập cùng các bạn mà không phải đợi chờ các bạn đọc sách cho nghe, cho học bài chung...

Những cống hiến thầm lặng

Mới đây, mảng sách nói càng “nóng” hơn khi Buy me one hour (tạm dịch: Hãy mua tôi với giá 1 giờ) là tên của dự án thư viện sách nói dành cho người khiếm thị, chính thức được thực hiện. Đặc biệt, đây chỉ là một trong rất nhiều dự án ý nghĩa, dành cho người khiếm thị của tổ chức phi chính phủ mang tên Việt Nam và những người bạn. Dự án do kỹ sư Đặng Thế Lâm sáng lập. Anh chia sẻ: “Niềm vui đọc sách với họ chẳng thể trọn vẹn bởi thiếu thốn cả về số lượng lẫn chất lượng. Bởi đầu sách thì ít ỏi mà audiobook thì chưa phong phú. Hãy cùng chung tay với thử thách Buy Me one Hour để mang đến 1.000 đầu sách mới/năm nhằm lan tỏa kho tàng sách đến người khiếm thị, góp phần làm cho đời sống tinh thần của họ trở nên phong phú hơn”.

Với người khiếm thị, sách nói là một kho báu.

Với người khiếm thị, sách nói là một kho báu.

Không đi theo con đường của một kỹ sư, anh Lâm quyết định rẽ ngang, hướng đến các hoạt động cộng đồng. Anh đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của mình bằng việc thành lập tổ chức phi chính phủ mang tên Việt Nam và những người bạn (Vietnam and Friends) vào năm 2011. Và dự án thư viện sách nói cho người khiếm thị là một trong số rất nhiều hoạt động khác đã và đang được tổ chức như: dạy học cho trẻ em ở bãi giữa sông Hồng, chạy cùng người khiếm thị...

Để một quyển sách đến tay bạn đọc khiếm thị, không ít người hằng ngày vẫn thầm lặng gom góp “ánh sáng yêu thương” vào từng dấu chấm chữ nổi, từng giọng đọc audio. Với tên gọi Helen - ứng dụng sách nói dành cho người khiếm thị, nhóm học sinh đến từ THPT Lê Quý Đôn hy vọng công cụ này sẽ tạo động lực cho người dùng, gạt bỏ mọi khó khăn về khiếm khuyết của mình và tiếp tục theo đuổi con đường văn học.

Lấy ý tưởng từ tên của nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ - Helen, tuy không thấy ánh sáng, không nghe được từ bé nhưng bà không bỏ cuộc, đầu hàng số phận mà luôn luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi. Đặc biệt bà rất ham mê đọc sách nên đã trúng tuyển vào Đại học Harvard và bắt đầu hành trình trở thành một nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng lớn sau này. Ứng dụng Helen được viết dành cho hệ điều hành android, sử dụng như một ứng dụng nghe nhạc với đầy đủ các tính năng hỗ trợ người khiếm thị đọc sách một cách dễ dàng nhất có thể. Hiện nay ứng dụng đang được sử dụng tại khối lớp 9 và các thầy cô giáo tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Sự chung tay của cộng đồng

Nhiều năm qua, để phục vụ người khiếm thị ở Việt Nam, các thư viện công cộng trên cả nước đã xây dựng, tổ chức nhiều phòng đọc với các loại hình tài liệu như sách chữ nổi Braille, sách nói, sách nói kỹ thuật số, sách minh họa nổi, tài liệu đồ họa nổi, máy tính cùng các phần mềm chuyên dụng... Các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phong phú, đa dạng giúp người khiếm thị tiếp cận việc tìm và đọc sách dễ dàng hơn. Các dịch vụ hướng tới người khiếm thị đã tạo ra nhiều hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ người khiếm thị có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, tạo ra sản phẩm, giúp người khiếm thị tiếp cận và tham gia cuộc sống hằng ngày.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã triển khai xây dựng thư viện dành cho người khuyết tật, trong đó có đối tượng người khiếm thị. Ngoài việc hướng dẫn và phục vụ đọc sách chữ nổi, nghe sách nói, thư viện tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề chia sẻ cảm nhận về sách, mời chuyên gia hướng dẫn làm sách nói, sách minh họa nổi, hướng dẫn sử dụng máy tính cho người khiếm thị, làm những bộ chữ cái, chữ nổi để hướng dẫn cơ bản cho người khiếm thị thành thạo kỹ năng đọc sách chữ nổi, tổ chức các cuộc thi như thử tài đánh máy, sáng tác truyện tranh, thi gia đình đọc sách và các hoạt động khéo tay hay làm, hướng dẫn thực hành từ sách như làm hoa, sản phẩm móc khóa từ hạt cườm, sản phẩm bằng que gỗ...

Thư viện TP. Hà Nội nhiều năm nay cũng mở rộng dịch vụ phục vụ người khiếm thị với hàng trăm đầu sách nói về văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, văn hóa ứng xử. Trong khi đó, thư viện khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh mở rộng hoạt động sản xuất tài liệu thay thế phù hợp cho người khiếm thị. Hàng chục nghìn người khiếm thị thông qua hệ thống thiết bị hỗ trợ được tiếp cận các dịch vụ thông tin dễ dàng, qua đó chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn