Phẫu thuật não bằng phương pháp hiện đại nhất thế giới
Kể từ khi sinh ra, những đứa trẻ không may mắc bệnh động kinh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Có những trẻ một ngày xuất hiện cả trăm cơn động kinh, co giật, tay chân không thể cử động như bình thường, thậm chí thường xuyên phải sử dụng thuốc ngủ hỗ trợ. Ðiều đó trở thành nỗi ám ảnh với các bé và gia đình.
Sở dĩ trẻ mắc phải căn bệnh này xuất phát từ sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương, do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Mặc dù chỉ có 0,05 đến 0,1% dân số thế giới mắc căn bệnh này, nhưng tỉ lệ trẻ em trong số lên tới 60%. Trong năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thăm khám và điều trị cho rất nhiều bệnh nhi động kinh, nhưng nặng nhất là các ca động kinh kháng thuốc. Ðó là khi trẻ được dùng kết hợp 2 đến 3 loại thuốc chống động kinh hàng đầu với liều tối đa chịu đựng mà vẫn không kiểm soát được các cơn co giật. Trong trường hợp đó, chỉ phẫu thuật mới có thể đưa bệnh nhi trở về cuộc sống của một đứa trẻ bình thường.
Nhìn những cơn co giật không ngừng của bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh - Bệnh viện Nhi Trung ương đã đặt mục tiêu, quyết tâm đưa kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới trong phẫu thuật thần kinh về thực hiện tại bệnh viện mình.
Tháng 9/2023 vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama - Hoa Kỳ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành công trong việc đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, xác định chính xác ổ động kinh để tiến hành phẫu thuật loại bỏ. Hai bệnh nhi được thực hiện phẫu thuật là cháu Trần Minh Ð. (6 tuổi, Phú Thọ) và cháu Ðào Ngọc M. (5 tuổi, Hưng Yên). Những nỗ lực và sự tận tâm của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia, cuối cùng đã gặt hái thành công, mang lại niềm vui cho các cháu và gia đình.
Là người trực tiếp tiến hành các ca phẫu thuật, BSCKII. Lê Nam Thắng - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh vui mừng nhớ lại: "Với hai ca phẫu thuật bệnh nhi động kinh kháng thuốc, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới - phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 2 ngày liên tục, nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh, từ đó lựa chọn vị trí và phương pháp phẫu thuật thích hợp. Sau phẫu thuật, hai bệnh nhi đã hồi phục một cách thần kỳ, các con nói cười vui vẻ và thay đổi rõ rệt ngay tại viện. Hy vọng rằng từ đây các con sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn".
16 ca ghép gan thành công
Không chỉ thành công ở hai ca phẫu thuật nói trên, mà trong năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương còn có một bước tiến mới nổi bật, đó là kiểm soát hoàn toàn phẫu thuật ghép gan. Ðây là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành
TS.BS. Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ðiều trị tích cực Ngoại Tim mạch chia sẻ: "Vượt qua những thử thách với các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật cực khó, bệnh lý phức tạp như: Bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp; năm qua, chúng tôi đã từng bước tiến đến việc làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan với 16 ca ghép thành công và trở thành đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay".
Thành công của các ca ghép gan hoàn toàn tự chủ về mặt kỹ thuật đã mang lại nguồn động lực to lớn cho các bác sĩ, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nỗ lực thực hiện nhiều ca phẫu thuật hơn nữa, cứu sống thêm nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được thực hiện an toàn, tạo nên mũi nhọn dẫn đầu ngành nhi khoa cả nước, hướng tới vươn xa trong khu vực và quốc tế.
Những con số nổi bật
Trải qua một năm có nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đón 1.054.172 lượt bệnh nhân khám ngoại trú, 112.058 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, số ca phẫu thuật là 34.187 ca.
Tỷ lệ bệnh khó và nặng chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có 110 bệnh nhân thở máy, 130 -170 bệnh nhân thở oxy, 100 -180 ca phẫu thuật.
Bệnh viện là địa chỉ tin cậy tiến hành các kỹ thuật cao: Ghép tế bào gốc 29 ca, ghép thận 11 ca, ghép gan 16 ca, gene trị liệu cho bệnh nhân thoái hóa cơ tủy 8 ca, ECMO 39 ca, phẫu thuật tim 1651ca, can thiệp tim mạch và điện sinh lý 952 ca, chạy thận nhân tạo 2120 lượt... Bệnh viện đã tổ chức trên 200 buổi hội chẩn chuyên môn cấp viện, trên 30 buổi hội chẩn Telehealth với tuyến dưới theo hệ thống chỉ đạo tuyến.
"Ngoài ra, Bệnh viện đã đón tiếp nhiều đoàn chuyên gia từ các bệnh viện Nhật, Mỹ, Italia... Ðồng thời, cử bác sĩ ra nước ngoài để học tập và trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu y học tiên tiến thế giới để từng bước áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh trong nước" - TS.BS. Cao Việt Tùng bày tỏ.
Mặc dù khối lượng công việc dồn về bệnh viện tuyến đầu là không nhỏ, nhưng với đội ngũ gần 2.200 cán bộ, người lao động, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong khám chữa bệnh năm 2023. Rõ ràng, những dấu ấn mà bệnh viện đã xây dựng trong thời gian qua đã khẳng định được vị thế của bệnh viện trong ngành nhi khoa cả nước, góp phần mở ra tương lai cho hàng triệu trẻ em Việt Nam. Mỗi một ca bệnh điều trị thành công không chỉ là nguồn ánh sáng hy vọng của những bệnh nhi và gia đình, mà còn tiếp thêm năng lượng cho đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm cống hiến vì những "mầm xanh"...!