Hỏi: Xin hỏi cây mần tưới ngoài việc làm thuốc còn có thể dùng làm rau ăn không?
(Lê Minh Trí - Hà Nội)
Trả lời:
Mần tưới còn gọi là hương thảo, lan thảo, Ayapana du Tonkin.
Tên khoa học Eupatorium staechadosmum.
Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Mô tả cây
Mần tưới là một loài cỏ có thể cao tới 1m, trung bình 50cm, cành phân nhánh nhiều, thân và cành nhẵn màu hơi tím, trên có những rãnh chạy dọc. Lá mọc đối, phiến lá hẹp, mép có răng cưa to và nông, dài 7 - 11cm, rộng 17 - 25mm, gân chính nổi rõ, nhiều gân phụ phân nhánh, phiến lá có màu hơi tím. Cụm hoa hình đầu, màu hơi tím, mọc ở đầu cành hay kẽ lá thành xim hai ngả. Cuống hoa có nhiều lông ngắn. Quả bế màu đen nhạt 5 cạnh. Mùa hoa ở miền Bắc tháng 4 - 5.
Công dụng và liều dùng
Mần tưới là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm nhân dân. Thường nhân dân dùng để trừ bọ gà, mạt gà, bọ chét hay rệp, mọt, chấy rận.
Dùng trong, một số vùng dùng mần tưới ăn như một gia vị. Ngọn mần tưới non hái về rửa sạch ăn sống như rau thơm, hoặc mần tưới băm nhỏ đúc dồi lợn...
Nhân dân Trung Quốc dùng mần tưới uống làm thuốc lợi tiểu, bổ dạ dày, chữa sốt, điều kinh.
Dùng trong: Ngày uống 50 - 150g cây tươi dưới dạng thuốc sắc nếu dùng khô chỉ dùng 10 - 20g.
Dùng ngoài không kể liều lượng.
Đơn thuốc có mần tưới dùng trong nhân dân
Chống mọt đậu xanh, đậu đen, cau khô: cho mần tưới vào hũ đựng đậu hay đựng cau.
Chống mọt gà, bọ chét, bọ chó: hái các cành cho vào ổ chó hay ổ gà sau khi đã dọn sạch phân, rác cũ, cứ 3 - 4 ngày thay một lần cho đến khi hết.
Trừ rệp: hái cành mần tưới, trải xuống dưới chiếu hay cho xuống gầm giường.
Chữa sốt, giúp sự tiêu hóa: mần tưới khô 20g, nước 600ml, sắc còn 20ml chia 2 lần trong ngày và 15 phút trước bữa ăn chính.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
GS. ĐỖ TẤT LỢi