Theo Đông y, mần tưới vị cay đắng, tính bình; vào kinh can và tỳ, vị. Có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, hóa thấp, thông kinh, lợi tiểu. Trị kinh nguyệt không đều, các bệnh thai sản (kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi...), thổ huyết nục huyết, lở ngứa ngoài da, té ngã tổn thương... Liều dùng: 6-12g. Dùng tươi: 12-20g.
Mần tưới giúp trị kinh nguyệt không đều, rong kinh, đau bụng kinh.
Một số bài thuốc có mần tưới:
Hoạt huyết điều kinh:
Bài 1: mần tưới 20g, ké hoa vàng 15g, chỉ thiên 15g, mã đề 15g. Sao vàng, sắc uống 2 lần trong ngày. Trị rong kinh.
Bài 2: mần tưới 15g, hương phụ 15g, ích mẫu 15g, ngải cứu 15g, nhọ nồi 15g. Sắc uống. Trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.
Bài 3: mần tưới 12g, hương phụ (tứ chế) 16g, ích mẫu 16g, nghệ xanh 16g, ngưu tất 16g, tô mộc 12g, chỉ xác 12g. Sắc uống. Chữa kinh chậm kỳ, hành kinh ra huyết xấu.
Hóa thấp, giải biểu. Trị mùa hè bị say nắng, thấp, phát sốt nóng, đau đầu, tức ngực, hôi miệng.
Bài 1: mần tưới 12g, hoắc hương 12g, bán hạ chế 12g, đại phúc bì 12g, hậu phác 8g, lá sen 8g, trần bì 6g. Sắc uống. Trị tỳ vị, tiêu hóa kém, tức ngực, trướng bụng.
Bài 2: mần tưới 8g, hoắc hương 12g, chỉ thực 8g, hoạt thạch 16g, hậu phác 8g, bán hạ chế 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 6g, ý dĩ nhân 16g. Sắc uống. Trị chứng thấp, sốt nóng thời kỳ đầu, mình nóng vào buổi chiều, đi tiểu vàng, miệng đắng, rêu lưỡi nhờn hơi vàng.
Chữa bệnh ngoài da: mần tưới tươi 1 nắm (50g) giã nát với ít muối, đắp lên chỗ đau. Chữa vùng da sưng tấy, mụn nhọt sưng chưa có mủ, chấn thương bầm giập.
Kinh nghiệm dân gian, dùng lá trạch lan lót ổ gà hay ổ chó phòng bọ mạt, bọ chét; dùng lá khô lót dưới giường để diệt rệp hay bọ mạt...
Kiêng kỵ: Những người kinh nguyệt đến trước kỳ, người thể âm hư, huyết nhiệt, huyết hư không có ứ trệ không dùng.