Hàng năm, Khoa Mắt, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận khoảng hàng nghìn lượt khám bệnh về đục thủy tinh thể. Trung bình có hơn 1.200 ca/năm phải phẫu thuật thay thủy tinh thể.
Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây giảm thị lực và mù lòa đứng đầu thế giới và ở Việt Nam. Vì vậy, người dân không nên chủ quan; khi có bất kì triệu chứng nào ở mắt như nhìn mờ hoặc đau nhức… bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế nhãn khoa để được khám và tư vấn.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Nguyên nhân nguyên phát
- Do bẩm sinh, liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát triển do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm (như Rubella)
- Do quá trình lão hóa tự nhiên gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng của thủy tinh thể, thường gặp lứa tuổi trên 50
Nguyên nhân thứ phát
- Đục thủy tinh thể có thể hình thành như một biến chứng của các căn bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì
- Mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại nhiều lần (như viêm màng bồ đào)
- Chấn thương mắt
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, các thuốc chống loạn nhịp (amiodarone), thuốc chống trầm cảm...
- Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím, tia X, tia hàn…
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân tại BV Hữu Nghị.
Các triệu chứng thường gặp
- Nhìn mờ, như có màn sương che trước mắt
- Lóa mắt: Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng, ban đêm thấy đèn pha quá sáng hoặc thấy quầng sáng quanh đèn
- Giả cận thị: Mắt bị đục thể thuỷ tinh ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên.
- Nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc.
- Nhìn màu có vẻ nhạt hơn
- Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Điều trị bệnh đục thủy tinh thể thế nào?
Điều trị nội khoa không không đem lại hiệu quả đáng kể nào.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco là phương pháp có hiệu quả tối ưu trong thời điểm hiện tại, tức là dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ không cần khâu, sau đó thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo khác. Đây là một phương pháp phẫu thuật an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Chỉ định phẫu thuật khi thị lực ≤ 3/10
Những ưu điểm của phẫu thuật Phaco: Thời gian phẫu thuật ngắn từ 5 - 10 phút; Không đau, không chảy máu. Vết mổ nhỏ 2.2mm không cần khâu, giảm tối đa tỷ lệ loạn thị sau mổ. Giảm các tổn thương mô nội nhãn so với các phương pháp khác.
Phương pháp này giúp thị lực phục hồi nhanh chóng và xuất viện ngay trong ngày. An toàn, giảm thiểu các biến chứng của phẫu thuật. Có thể điều chỉnh được các tật khúc xạ (cận, viễn và loạn thị).
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ
- Giữ gìn vệ sinh tay, vệ sinh mắt sạch sẽ.
- Điều trị thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
- Các biểu hiện thông thường hay gặp: đỏ nhẹ, kích thích nhẹ, hơi cộm, chảy nước mắt,... Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ qua trong vài ngày sau phẫu thuật.
- Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, cần tránh để xà phòng vào mắt
- Không bơi trong 1 tháng.
- Tuyệt đối không được day dụi hay gãi mắt, tránh dụi mắt vô thức trong lúc ngủ.
- Nên dùng kính bảo vệ mắt.
- Thường xuyên kiểm tra mắt định kỳ giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
- Làm việc, học tập trong môi trường đủ ánh sáng.
- Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
- Điều trị sớm các bệnh tại mắt như Glocom, viêm màng bồ đào.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn thực phẩm bổ dưỡng cho mắt (Cà rốt, các loại rau có màu xanh thẫm, các loại thực phẩm giàu vitamin C…)
- Không tùy ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích.