(Hồ Ngọc Thư - Vĩnh Long)
Cơn nóng phừng đi kèm với tình trạng mãn kinh có thể xảy ra ban đêm và gây tăng tiết mồ hôi quá mức. Đây cũng là nguyên nhân gây chứng đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ. Mãn kinh được xác định khi người phụ nữ xảy ra lần kinh cuối cùng trước đó 12 tháng. Mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi 40 hoặc 50.
Mãn kinh là một quá trình sinh học tự nhiên của cơ thể và nó cũng kết thúc việc sinh sản. Một số phụ nữ cảm thấy bớt căng thẳng về việc mang thai. Trong nhiều tháng hoặc vài năm trước khi mãn kinh hoàn toàn, người phụ nữ có thể gặp một số triệu chứng: kinh nguyệt không đều, khô âm đạo, cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm xúc, tăng cân, khô da và rụng tóc, teo ngực…
Nguyên nhân của mãn kinh có thể do giảm sản xuất hoóc-môn sinh dục một cách tự nhiên (ở tuổi 40 thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ dài và ngắn ngày hơn), cắt bỏ tử cung (nếu không kèm cắt buồng trứng thì không gây mãn kinh ngay), hóa trị và xạ trị ung thư có thể gây ra mãn kinh, suy buồng trứng nguyên phát (khoảng 1% phụ nữ bị mãn kinh nguyên phát trước tuổi 40 do tình trạng suy buồng trứng nguyên phát).
Tình trạng mãn kinh sẽ gây ra một số biến chứng: bệnh lý tim mạch, loãng xương, tiểu không tự chủ, rối loạn tình dục, tăng cân. Để xác định tình trạng mãn kinh, cần tiến hành xét nghiệm máu để đo hàm lượng một số hoóc-môn: FSH, estrogen, TSH (loại trừ tình trạng suy giáp cũng gây triệu chứng giống mãn kinh).
Tiết mồ hôi là cơ chế tự làm lạnh của chính cơ thể. Hệ thống thần kinh sẽ tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng. Tiết mồ hôi cũng xảy ra bình thường khi bạn bị căng thẳng. Trong chứng tăng tiết mồ hôi, dây thần kinh chi phối tuyến mồ hôi bị kích thích quá mức. Chứng tăng tiết mồ hôi quá mức cũng có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng da do da lúc nào cũng ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến cảm xúc và giao tiếp.