Mãn kinh sớm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

22-08-2024 17:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mãn kinh là quá trình diễn tiến tự nhiên của cơ thể phụ nữ. Quá trình này thường diễn ra quanh tuổi 50. Tuy nhiên tuổi mãn kinh của phụ nữ đang có xu hướng đến sớm hơn. Phụ nữ bị mãn kinh sớm tăng nguy cơ bị loãng xương sớm, dễ gãy xương, khởi phát các bệnh mạch vành…

1.Mãn kinh sớm là gì, nguyên nhân gây mãn kinh sớm?

1.1.Mãn kinh sớm là gì?

Mãn kinh sớm là tình trạng người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi sớm hơn dự kiến. Mãn kinh được chẩn đoán khi người phụ nữ trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt. Hầu hết phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi.

Mãn kinh sớm xảy ra ở độ tuổi 40 đến 45 tuổi. Thống kê cho thấy, có đến 12% phụ nữ có kinh lần cuối trước năm 45 tuổi. Tỷ lệ này có thể cao hơn nếu cả trường hợp mãn kinh do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng và tử cung hoặc điều trị ung thư. Mãn kinh trước 45 tuổi được gọi là mãn kinh sớm (early menopause), trước năm 40 tuổi được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).

Mãn kinh sớm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị- Ảnh 1.

Những ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh đối với phụ nữ.

1.2.Nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở phụ nữ

Mãn kinh sớm hoặc quá sớm có thể tự xảy ra mà không có nguyên nhân cụ thể, hoặc do một số yếu tố thuốc men, phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của phụ nữ. Cụ thể như sau:

Tiền sử gia đình

Nghiên cứu cho thấy, tiền sử gia đình có mẹ hoặc dì hoặc chị em gái ruột bị mãn kinh sớm, phụ nữ cũng sẽ có khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn.

Thói quen hút thuốc lá

Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá thường xuyên có khả năng mãn kinh sớm hơn từ 1 đến 2 năm so với phụ nữ không hút thuốc, đồng thời các triệu chứng mãn kinh cũng có thể nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên 25.474 phụ nữ cho thấy, phụ nữ mãn kinh sớm do hút thuốc lá có tỷ lệ tử vong sớm hơn khoảng 2 năm so với phụ nữ không hút thuốc.

Hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu trong điều trị bệnh ung thư

Những phương pháp điều trị này có thể làm tổn thương hoặc phá hủy buồng trứng, khiến buồng trứng ngừng hoạt động vĩnh viễn hoặc trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị đều bắt đầu thời kỳ mãn kinh sớm. Phụ nữ càng trẻ tuổi càng ít có nguy cơ bị mãn kinh sớm hơn.

Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

Phẫu thuật cắt bỏ hai bên buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng mãn kinh ngay lập tức. Ngay sau khi phẫu thuật kết thúc, chu kỳ kinh nguyệt sẽ giảm dần và mất hẳn, nồng độ hormone giảm nhanh chóng. Các triệu chứng mãn kinh bắt đầu xuất hiện rõ rệt và mạnh hơn.

Mắc bệnh tự miễn

Khoảng 30-60% các trường hợp mãn kinh sớm là do mắc phải các bệnh tự miễn, thường gặp nhất là bệnh tuyến giáp, quai bị, cường giáp, Addison… Một số trường hợp khác mặc dù hiếm gặp, nhưng hệ thống miễn dịch của cơ thể vốn để chống lại bệnh tật có thể tấn công nhằm vào buồng trứng, khiến buồng trứng không tạo ra hormone.

Nhiễm HIV/AIDS

Phụ nữ nhiễm HIV nếu không được kiểm soát tốt có thể bị mãn kinh sớm hơn. Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ gặp những cơn bốc hỏa nặng nề và nghiêm trọng hơn so với người không nhiễm HIV.

Rối loạn di truyền

Phụ nữ sinh ra với tình trạng thiếu nhiễm sắc thể hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như thiếu hụt 17-alpha-hydroxylase, galactosemia, hội chứng Digeorge, loạn dưỡng loạn sản cơ, mất đoạn nhiễm sắc thể… có thể bắt đầu thời kỳ mãn kinh sớm hơn.

Hội chứng Turner với sự mất một phần hoặc hoàn toàn nhiễm sắc thể X, trisomy 18 và 14, buồng trứng không hình thành bình thường khi sinh và chu kỳ kinh nguyệt bất thường cũng dễ bị mãn kinh ở giai đoạn sớm.

Mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (chronic fatigue syndrome – CFS)

Một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị viêm não tủy/hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) có biểu hiện mệt mỏi, yếu, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, mất trí nhớ, ngủ không sâu giấc… có thể bị mãn kinh sớm hơn. 61% các trường hợp xuất phát từ nguyên nhân này, độ tuổi trung bình là 37,6 tuổi.

2. Triệu chứng, dấu hiệu của mãn kinh sớm

2.1. Dấu hiệu mãn kinh sớm

Thời kỳ mãn kinh sớm có thể bắt đầu ngay khi phụ nữ có kỳ kinh nguyệt không đều, thời gian dài hơn hoặc ngắn hơn so với chu kỳ kinh bình thường, thậm chí ngừng hẳn mà không có lý do nào khác như mang thai.

Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh sớm còn xuất hiện các triệu chứng khác gồm:

  • Triệu chứng vận mạch: bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm.
  • Triệu chứng âm đạo: âm đạo bị khô và đau khi giao hợp.
  • Triệu chứng tiết niệu: tiểu lắt nhắt, tiểu không thường xuyên, tiểu không kiểm soát và viêm bàng quang.
  • Rối loạn chức năng tình dục.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Các triệu chứng khác như nhức đầu, trầm cảm, lo âu, khó chịu, đau khớp, teo da, giảm tập trung.

2.2.Hậu quả của mãn kinh sớm gây ra với cơ thể

Hậu quả của mãn kinh sớm được chia thành hậu quả ngắn hạn và dài hạn. Các hậu quả ngắn hạn gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, đau đầu, đánh trống ngực, khó thở, tăng cân, khô âm đạo, khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh, khó chịu, mất ngủ, hay quên, kém tập trung…

Về lâu dài, mãn kinh sớm có thể dẫn đến các kết cục như vô sinh, loãng xương, tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.

Mãn kinh sớm đồng nghĩa với suy buồng trứng sớm sẽ khiến chị em đối diện với nhiều vấn đề như xuất hiện nếp nhăn, thâm nám, sạm da, đau đầu, mất ngủ, khó tập trung, dễ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, loãng xương, không còn khả năng sinh sản… Ngoài ra, đây cũng chính là thủ phạm khiến chị em mất hứng thú trong chuyện chăn gối, lâu dài ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân vợ chồng.

3. Điều trị mãn kinh sớm

Thông thường, các phương pháp quản lý thời kỳ mãn kinh được khuyến cáo duy trì đến khi phụ nữ bước vào độ tuổi trung bình mãn kinh tự nhiên, tức là khoảng 51 tuổi mới dùng các biện pháp điều trị, nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh loãng xương cũng như các vấn đề sức khỏe khác sau thời kỳ mãn kinh.

Đối với những người phụ nữ trải qua mãn kinh sớm, có một số biện pháp điều trị nhằm giảm các triệu chứng không dễ chịu và giúp họ trải qua thời kỳ này một cách nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp nào. Dưới đây là một số phương pháp can thiệp:

3.1 Liệu pháp hormone thay thế

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc và phác đồ phù hợp tùy thuộc vào tình trạng cụ thể. Việc bổ sung estrogen có thể gây ra một số tác dụng phụ, do đó, bạn nên sử dụng liệu pháp này theo chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

3.2 Sử dụng một số thuốc đặc trị

Trong trường hợp tình trạng mất cân bằng nội tiết tố không quá nặng hoặc khi người dùng gặp vấn đề sức khỏe với hormone, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc đặc trị như thuốc chống trầm cảm liều thấp, thuốc cải thiện mọc tóc, hoặc thuốc điều trị loãng xương.

3.3 Sử dụng thuốc/gel bôi trơn âm đạo

Một số loại thuốc hoặc gel bôi âm đạo có thể giúp tăng cường chất nhờn và cung cấp độ ẩm cho âm đạo. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời để cải thiện tình trạng khô âm đạo, và việc sử dụng quá mức có thể tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Giải pháp cho phụ nữ vô sinh

Một số trường hợp phụ nữ muốn có con nhưng bị vô sinh sau khi mãn kinh sớm. Lúc này, bạn có thể cân nhắc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách sử dụng trứng của người hiến tặng. Bạn nên đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn các cách giải tỏa cảm xúc nhằm vượt qua sự căng thẳng, khó chịu của thời kỳ này dễ dàng hơn.

Lưu ý: Bác sĩ sẽ xem xét lợi ích và nguy cơ khi áp dụng liệu pháp hormone ở từng trường hợp cụ thể. Vì thế, chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng cách thức dân gian hoặc tư vấn của người không có chuyên môn để tránh làm nặng hơn các triệu chứng mãn kinh.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ mắc phải bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú thì không thể điều trị bằng liệu pháp hormone. Lúc này, bác sĩ sẽ thảo luận phương pháp điều trị phù hợp hơn với tình trạng sức khỏe của chị em.

4. Phòng ngừa mãn kinh sớm

Để ngăn ngừa thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn bình thường, chị em cần lưu ý những điều sau:

Không hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc lá thường xuyên có thể bắt đầu thời kỳ mãn kinh nhanh hơn người không hút thuốc từ 1 đến 2 năm. Vì thế, tập thói quen sống lành mạnh, không hút thuốc lá là cách giúp chị em ngăn ngừa được tình trạng này.

Tránh sử dụng rượu bia và cafe Tiêu thụ quá nhiều cồn và caffeine có thể kích hoạt các yếu tố gây mãn kinh sớm hơn.

Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên và vừa sức có thể giúp trì hoãn thời kỳ mãn kinh đến sớm. Chị em chỉ nên tập những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng cơ thể, không nên tập quá sức vì có thể gây mất cân bằng hormone, khiến sự rụng trứng không đều và có thể làm suy giảm hormone sớm.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp chị em duy trì vóc dáng và cân nặng hợp lý, tránh rơi vào tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân cũng có thể khiến thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm hơn. Estrogen được giữ trong mô mỡ, vì thế phụ nữ thừa cân có thể dư thừa estrogen làm ảnh hưởng đến buồng trứng.

Lời khuyên của thầy thuốc: Mãn kinh sớm gây ra những ảnh hưởng lớn đối với phụ nữ, có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe và chất lượng sống. Vì thế, ngay khi nhận thấy các triệu chứng mãn kinh xuất hiện sớm hoặc quá sớm, chị em không được chủ quan, cần thăm khám ngay để được kiểm tra tìm nguyên nhân, dựa trên kết quả chẩn đoán có giải pháp điều chỉnh kịp thời và hiệu quả, phòng tránh tối đa các biến chứng nguy hiểm.


BS. Nguyễn Văn Tuấn (Khoa hỗ trợ sinh sản - BV Bưu điện)
Ý kiến của bạn