Cúng rằm Trung thu hay rằm tháng 8 là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm đầy đủ để dâng lên tổ tiên, thần linh với mục đích cầu bình an, gia đạo hòa thuận.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả gia đình sẽ quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ Trung thu.
Ý nghĩa của việc cúng rằm Trung thu
Việc tổ chức lễ cúng rằm Trung thu có từ xa xưa nên mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng với chúng ta từ đời sống cho đến tín ngưỡng tâm linh. Cụ thể:
Giúp các gia đình thể hiện lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cúng rằm tháng 8 cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp để cùng nhau trò chuyện, tâm tình, kể cho nhau nghe những câu chuyện bình dị về cuộc sống hằng ngày.
Rằm tháng 8 cũng là dịp để người lớn thể hiện sự quan tâm đến trẻ nhỏ trong nhà bởi ngày này còn được gọi là ngày Tết Thiếu nhi. Thông thường vào ngày này, người lớn trong gia đình sẽ mua tặng các bạn nhỏ những món quà như đèn lồng, mặt nạ... để chúng có thể được vui chơi với bạn bè...
Bên cạnh đó, tổ chức lễ cúng rằm Trung thu còn là để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn đời nay, là dịp để răn dạy cháu con biết ơn cội nguồn, tổ tiên...
Mâm cúng rằm Trung thu - rằm tháng 8 đơn giản, đầy đủ nhất
Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng gia đình mà mâm cúng Trung thu, mâm cỗ trông trăng sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp.
Mâm cúng gia tiên
Thong thường, mâm cúng Trung thu - rằm tháng 8 không cần quá cầu kỳ, long trọng như mâm cỗ ngày Tết cổ truyền nhưng vẫn phải chuẩn bị một cách tươm tất, đầy đủ và thành tâm để dâng lên tổ tiên thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính.
Các món ăn mặn hoặc chay tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên, nhìn chung, mỗi mâm cúng rằm tháng 8 sẽ bao gồm những lễ vật:
Bánh nướng, bánh dẻo, các loại hoa quả, hương hoa và đèn nến... Các gia đình cần lưu ý, bánh nướng, bánh dẻo là món không thể thiếu trong mâm cỗ dịp Trung thu. Một mâm cỗ thường có 1 hộp gồm 4 chiếc bánh, đặt ngay ngắn, trang trọng trên bàn thờ.
Ngoài ra, các gia đình có thể chuẩn bị thêm 1 mâm cơm cúng lễ gồm gà luộc, xôi, canh miến mọc, xôi đỗ xanh, thịt bò xào, chả nem, tôm hấp sả... Các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình mình.
Mâm cỗ trông trăng
Trong một mâm cỗ trông trăng sẽ có xen kẽ những trái xanh và trái chín để thể hiện sự âm dương hài hòa, cân bằng giữa trời và đất theo quan niệm dân gian.
Một số loại trái cây cần có để trang trí mâm cỗ Trung thu gồm: Nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn).
Bên cạnh đó trong mâm cỗ trông trăng còn có sự xuất hiện của các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu, bánh dẻo và các loại đồ chơi Trung thu truyền thống như: đèn lồng ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,...
Tết Trung thu bên cạnh ánh trăng tròn đầy rằm tháng 8 thì mâm cỗ ngày Tết Đoàn viên chính là nét đặc sắc nhất của ngày này. Để thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị của ngày Tết Đoàn viên, mâm cỗ ngày rằm tháng 8 không chỉ thịnh soạn, đẹp mắt mà còn mang nhiều ý nghĩa về sự sum vầy, hạnh phúc gia đình.