Hà Nội

Mâm cúng Giao thừa 2025 cần gì, cúng trong nhà hay ngoài trời trước?

27-01-2025 16:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Cúng Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025 là một nghi lễ quan trọng trong ngày Tết cổ truyền. Mâm cúng giao thừa bao gồm mâm cúng trong nhà và ngoài trời.

Cúng Giao thừa hay đón Giao thừa là một nghi thức dân gian truyền thống của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Theo đó, lễ cúng Giao thừa hay còn gọi là Lễ “trừ tịch”.

Mâm cúng Giao thừa 2025 gồm những gì?

Mâm cúng Giao thừa tết Ất Tỵ 2025 bao gồm mâm cúng trong nhà và ngoài trời. Lễ cúng thực hiện vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Mâm cúng Giao thừa ngoài trời

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, để tiến hành cúng Giao thừa ngoài trời, mâm cúng gồm các lễ vật: hương, đèn/nến, trà, tửu, hoa, gạo, muối,... và cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy điều kiện của gia đình.

Mâm cúng Giao thừa 2025 cần gì, cúng trong nhà hay ngoài trời trước?- Ảnh 1.

Mâm cúng Giao thừa tết Ất Tỵ 2025 bao gồm mâm cúng trong nhà và ngoài trời.

Các món ăn chủ yếu trong mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời gồm:

Gà trống luộc: Gà trống được chọn để cúng vì mang ý nghĩa linh thiêng, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và thịnh vượng.

Bánh chưng: Bánh chưng là biểu tượng của đất, là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, thể hiện lòng biết ơn với đất trời.

Xôi gấc: Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và sức khỏe.

Khoanh giò lụa: Là món ăn truyền thống, thể hiện sự đủ đầy, thịnh vượng trong năm mới.

Mâm ngủ quả: Thường là các loại quả như bưởi, chuối, cam, quýt, mãng cầu, lựu, mang ý nghĩa cầu mong phúc lộc đầy nhà...

Mâm cúng Giao thừa ngoài trời không cần quá cầu kì như mâm cúng giao thừa trong nhà nhưng cần phải được chuẩn bị với lòng thành, chế biến sạch sẽ và trình bày gọn gàng.

Mâm cúng Giao thừa trong nhà

Sau khi cúng Giao thừa ngoài trời, gia chủ bày mâm cỗ mặn, đặt lên bàn thờ và thắp hương.

Mâm cỗ cúng trong nhà được chuẩn bị đầy đủ hơn và tùy từng gia đình, vùng miền sẽ chuẩn bị các món khác nhau. Thông thường, cỗ mặn đêm giao thừa sẽ có bánh chưng, gà luộc, giò, thịt đông, xôi gấc…

Theo VTC News, mâm cỗ cúng Giao thừa ở miền Bắc thường gồm 4 bát và 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì có thể lên tới 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, thể hiện sự thịnh vượng, đủ đầy. Các món ăn đặc trưng gồm: Móng giò hầm măng, bóng bì nấu thập cẩm, canh mọc, miến nấu lòng gà, xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm, dưa hành muối.

Mâm cỗ cúng Giao thừa ở miền Trung có sự pha trộn giữa các món ăn đậm đà, đặc biệt là các món nguội và các món chế biến từ thịt, cá. Mâm cỗ thường đơn giản nhưng tinh tế, với những món ăn đặc trưng mang đậm hương vị miền Trung như: Dưa món, giò lụa, thịt đông, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, bát măng khô ninh, bát miến, cá chiên hoặc chả ram

Mâm cỗ cúng Giao thừa miền Nam đơn giản hơn do khí hậu nắng nóng, các gia đình thường ưu tiên món nguội, dễ ăn và mát mẻ như canh khổ qua nhồi thịt, canh măng, thịt kho hột vịt, chả giò, củ kiệu, bánh tét.

Có thể thực hiện cúng Giao thừa 2025 vào lúc nào?

Theo quan niệm truyền thống, lễ cúng giao thừa ngoài trời cần phải được thực hiện trước nhằm tiễn quan hành khiển cũ và đón quan hành khiển mới. Sau đó, gia chủ mới thực hiện lễ cúng trong nhà để cầu nguyện cho tổ tiên và thần linh bảo vệ gia đình trong năm mới.

Vào thời khắc Giao thừa (giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm 30 tháng Chạp), theo phong tục truyền thống của người Việt, cúng Giao thừa (lễ trừ tịch) là nghi thức quan trọng.

Theo phong tục cổ người ta tin rằng, mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Trước giờ Tý phải làm lễ tiễn quan đương niên cũ, sau đó đón quan đương niên mới. Và chính giờ Tý (12 giờ đêm) thì đón Giao thừa ta cúng ngoài sân. Sau đó ta lại cúng cộng đồng gia Thần, cộng đồng gia tiên ở trong nhà.

Vào đúng giờ Tý (23 giờ đến 1h ngày 30 Tết), các gia đình đặt mâm cúng trước cửa nhà. Nếu gia đình ở chung cư, đặt mâm cúng ở ban công hoặc tại sảnh lớn của tòa nhà mình ở. Sau khi đặt ngay ngắn mâm cúng, gia chủ tiến hành nghi thức cúng tiễn đưa thần cũ, đón thần mới, hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng.

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Văn khấn cúng Giao thừa 2025 và những điều cần lưu ý khi làm lễ Trừ TịchVăn khấn cúng Giao thừa 2025 và những điều cần lưu ý khi làm lễ Trừ Tịch

SKĐS - Văn khấn Giao thừa năm 2025 trong nhà và ngoài trời mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là dịp để gia đình sum vầy và cầu mong một năm mới an lành.


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn