Mâm cỗ tết và những nguy cơ

24-01-2009 06:20 | Thời sự
google news

Ngày Tết, cỗ bàn được chuẩn bị trước, đa phần là thức ăn nguội... mà chắc chắn việc bảo quản vệ sinh không thể chặt chẽ như ngày thường vì không phải nhà nào cũng có tủ lạnh đủ lớn để chứa bằng hết

Ngày Tết, cỗ bàn được chuẩn bị trước, đa phần là thức ăn nguội... mà chắc chắn việc bảo quản vệ sinh không thể chặt chẽ như ngày thường vì không phải nhà nào cũng có tủ lạnh đủ lớn để chứa bằng hết những nồi măng, nồi cá, nồi xương hầm, thịt đông, bánh chưng, giò chả... nên một số đành phải "tại ngoại". Điều này đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam ta dù sinh sống trong nước hay đang xa xứ, ngày Tết Nguyên đán bao giờ cũng hệ trọng. Năm hết, Tết đến, người đi làm ăn xa lục tục về quê, kiều bào ta về nước ăn tết. Người nào việc nấy. Thức ăn, thức chơi dù nhiều ít hay giàu nghèo thì đến chiều 30 Tết cũng đủ - phong phú, đa dạng. Sau mâm cỗ tất niên chiều ba mươi, các bà, các chị bắt tay sửa mâm cỗ cúng giao thừa. Những thức cho mâm cỗ mừng năm mới, phần lớn cũng được sửa soạn sẵn sàng... Do bảo quản, cất giữ không bảo đảm yêu cầu vệ sinh và kỹ thuật, phần lớn các thức này bị biến chất rất nhanh. Do hoạt động của các men vốn có trong cơ thể gia súc, gia cầm, nên ngay sau khi giết thịt, đã xảy ra quá trình phân hủy trong các mô. Nếu lại có mặt các vi khuẩn, nhất là các vi khuẩn gây thối (do nhiễm phân, nước cống rãnh) thì quá trình phân hủy các mô sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn không chỉ làm thay đổi cấu trúc, màu sắc, mùi vị ban đầu của thực phẩm, mà còn làm cho thực phẩm trở nên độc hại. Gặp những hôm ấm trời, dưới tác động của ánh sáng, sức nóng, không khí... quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều, hậu quả nặng nề hơn nhiều.

Gặp nhau năm sớm, sau những lời chúc tụng năm mới, cầu chúc nhau may mắn là mời cỗ. Cỗ bàn lu bù, quá chén... Ăn không ra bữa, vừa ăn rồi lại phải ăn nữa; thức ăn lại ôi, nguội nên khó tránh khỏi ậm ạch, tiêu chảy... thậm chí là ngộ độc. Ăn nhiều, khẩu phần quá nhiều chất, nhiều đạm dễ làm bùng phát cơn gut cấp tính (ở người bị bệnh gut); nhiều mỡ, đường bột làm cơn tăng đường huyết (ở người bệnh tiểu đường)... Những Tết gần đây, người ta ít ép nhau ăn nhưng thay vào đó là uống, mà đã uống là phải "hết mình", nhất là các bạn trẻ... Trời lạnh, cơ thể dễ bị mất nhiệt, lại uống nhiều bia rượu, uống xong lại đi thăm thú bạn bè nên dễ bị cảm lạnh.

Xin được bàn thêm một chút về chuyện bia, rượu ngày Tết. Đón Xuân, ăn Tết nhà nào mà chẳng có rượu. Bên mâm cỗ tết, anh em, bè bạn quây quần nâng cốc chúc tụng... Với người khỏe mạnh, một chút rượu nhẹ nhất thời đem lại cảm giác khoan khoái, dễ chịu làm Xuân thêm thi vị, đậm đà; bộ máy tiêu hóa làm việc tích cực hơn, nước bọt, dịch dạ dày, dịch ruột... bài xuất nhiều hơn, dạ dày co bóp nhiều hơn, nhu động ruột cũng được tăng cường. Khi lượng rượu uống vào mỗi ngày tương đương với 0,5 lít bia hoặc rượu vang 10 độ với nam nặng 60 - 70kg và 0,35 lít với nữ nặng 55kg được xem là chưa gây tác hại cho sức khỏe vì phần lớn lượng cồn này được phân hủy, một phần nhỏ (khoảng 5%) khuếch tán qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu. Nhưng với rượu mạnh, một phần đáng kể (10 - 20%) lượng cồn được chuyển thành acid béo, cholesterol, lipid cố định tại gan, não, tim, cơ khiến các cơ quan này bị nhiễm độc; và phải sau đó 3 - 4 tuần lễ mới được ôxy hóa hết. Nếu lại uống quá nhiều, nồng độ cồn trong máu quá cao, cơ thể phải huy động khẩn cấp hệ thống men của các mô đặc biệt là gan và cả tụy để ôxy hóa cồn. Hậu quả là dễ bị viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết, hoặc viêm gan dẫn đến xơ gan.

Không chỉ gan, tụy mà mọi nội tạng đều bị ảnh hưởng xấu nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là tim, gan, não. Tại não, rượu xóa nhòa dấu vết của các quá trình hưng phấn và ức chế đã tích lũy được trong đời; làm giảm sút rõ rệt các hoạt động phân tích và tổng hợp của não bộ. Sau một giai đoạn hưng phấn ngắn, mọi liên hệ giữa vỏ não và các trung tâm dưới vỏ bị gián đoạn. Nhiều hoạt động của cơ thể bị rối loạn, trí nhớ bị giảm sút, khó tập trung chú ý, người nghiện trở nên thiếu kiên nhẫn, dễ nóng nẩy, bực bội, cáu gắt, tục tằn, thô lỗ; thậm chí gây gổ với bạn bè, đánh đập vợ con, đe dọa tính mạng những người xung quanh, gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng...

Để hương Xuân thêm đậm đà, ngày Tết có thể uống một chút rượu, nhưng cũng chỉ nên uống rượu nhẹ, loại có chất lượng, có độ tin cậy; và cũng chỉ nên uống một ít, ít hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được và cũng đừng quên ăn thức ăn; thực hiện "tửu bất khả ép"; không uống rượu khi đang quá đói, uống xong không ra ngoài trời gió; không uống rượu khi phải lái xe, đi xe máy. Với những người có bệnh tăng huyết áp, bệnh gan mật, loét dạ dày - tá tràng, viêm ruột mạn tính, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu... dù vui mấy, cũng không nên uống rượu.

BS. Nguyễn Quang Ngọc


Ý kiến của bạn