Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng các bệnh nha chu có thể là yếu tố nguy cơ cho sức khỏe chung nhưng chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của vi khuẩn nha chu lên việc thụ thai.
Theo bác sĩ nha khoa Susanna Paju, ĐH Helsinki: “Kết quả của chúng tôi khuyến khích những phụ nữ trẻ ở độ tuổi sinh sản chăm sóc sức khỏe răng miệng và chú ý đánh giá sức khỏe răng miệng thường xuyên”.
Nghiên cứu bao gồm 256 phụ nữ không mang thai khỏe mạnh (tuổi trung bình là 29,2) ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai để mang thai. Các cuộc thăm khám miệng và phụ khoa lâm sàng được thực hiện.
Các đối tượng được theo dõi để xác định họ có mang thai hay không trong thời gian 12 tháng.
Porphyromonas gingivalis, một loại vi khuẩn có liên quan đến bệnh nha chu, được phát hiện nhiều hơn đáng kể trong nước bọt ở những phụ nữ không mang thai trong thời gian theo dõi một năm so với những người đã mang thai. Các mức kháng thể nước bọt và huyết thanh chống lại mầm bệnh này cũng cao hơn đáng kể ở những phụ nữ không mang thai.
Phân tích thống kê chỉ ra rằng phát hiện này không phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ góp phần gây bệnh như độ tuổi, tình trạng hút thuốc hiện tại, tình trạng kinh tế xã hội, nhiễm khuẩn âm đạo, lần sinh trước đây hoặc bệnh nha chu lâm sàng.
Phụ nữ có P. gingivalis trong nước bọt và hàm lượng kháng thể chống vi khuẩn trong nước bọt và huyết thanh cao hơn có nguy cơ không mang thai được cao gấp 3 lần so với những người trong nhóm chứng. Nguy cơ này tăng gần 4 lần nếu có nhiều hơn một trong những yếu tố góp phần và dấu hiệu lâm sàng của viêm nha chu.
Tiến sĩ Paju nói: "Nghiên cứu của chúng tôi không trả lời câu hỏi về những lý do có thể gây vô sinh, nhưng nó cho thấy vi khuẩn nha chu có thể có tác động đến toàn cơ thể thậm chí với số lượng thấp hơn và ngay cả trước khi có các dấu hiệu lâm sàng rõ ràng về bệnh nướu. "Cần có thêm nghiên cứu để giải thích cơ chế đằng sau mối liên kết này."