Mali, một bản sao của Libya

15-01-2013 11:44 | Quốc tế
google news

Tổng thống Pháp François Hollande thông báo là đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traoré, quân đội Pháp đã can thiệp vào Mali.

Tổng thống Pháp François Hollande thông báo là đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traoré, quân đội Pháp đã can thiệp vào Mali. Các tiêm kích Mirage cùng trực thăng đã tham chiến nhằm ngăn chặn đường tiến quân của các nhóm khủng bố đang tràn xuống phía Nam Mali, uy hiếp Thủ đô Bamako.

Pháp lo ngại là Mali, đặc biệt là vùng phía Bắc nước này trở thành sào huyệt của các tổ chức khủng bố. Trên Đài truyền hình Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault cho biết, chiến dịch quân sự có mục đích “ngăn chặn mối đe dọa khủng bố” ngay tại cửa ngõ nhiều nước châu Phi và của cả “nước Pháp và châu Âu”.
Mali, một bản sao của Libya 1
 Pháp là nước duy nhất gửi quân đến Mali trực tiếp tham chiến.

Chiến sự diễn ra rất ác liệt. Theo nguồn tin từ chính quyền Bamako, đã có 11 binh sĩ Mali tử trận, 60 người khác bị thương và một sĩ quan không quân Pháp đã bị thiệt mạng, sau khi một chiếc trực thăng chiến đấu của Pháp rơi trên chiến trường. Một nguồn tin quân sự Mali cho biết, về phía lực lượng Hồi giáo đã có khoảng “100” người chết. Tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch (HRW) xác định, có 10 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em. Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp được cho là sẽ phải kéo dài vì theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, đà tiến của các nhóm vũ trang Hồi giáo chưa “hoàn toàn được ngăn chặn”. Trong chiến dịch được đặt tên là Serval, ngoài việc dùng không quân hỗ trợ cho quân đội Mali, Pháp cũng đã cho triển khai nhiều đơn vị quân đội tại Thủ đô Bamako, trên danh nghĩa là để đảm bảo an ninh cho khoảng 6.000 công dân Pháp.

Trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali, Chính phủ Pháp không đơn độc. Các quốc gia châu Phi như Burkina Faso, Niger và Senegal đã từng thông báo sẽ gửi mỗi nước một tiểu đoàn (khoảng 500 quân) đến Mali. Các đơn vị châu Phi đầu tiên có thể sẽ đến Mali. Riêng Nigeria cho biết đã gửi một đội ngũ kỹ thuật không quân đến Mali.

Nằm ở trung tâm Tây Phi, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp, bao bọc bởi nhiều nước có quan hệ hữu hảo với Paris, Mali có đường biên giới chung với Algeri ở phía Bắc và Ðông Bắc, phía Ðông với Niger, phía Nam với Côte d’Ivoire, Burkina Faso, phía Tây Nam với Sénégal, Guinea Conakry và Guinea Bissau, phía Tây với Mauritania.

Trong số các nước phương Tây, có lẽ Pháp là nước duy nhất gửi quân qua Mali trực tiếp tham chiến. Các nước khác sẽ chỉ hỗ trợ về mặt hậu cần. Anh quốc xác định sẽ chỉ giúp đỡ quân đội Pháp về phương diện hậu cần, nhưng loại trừ khả năng triển khai lực lượng chiến đấu tại Mali. Hoa Kỳ cũng vậy. Lầu Năm Góc có thể giúp Pháp trong nhiều lĩnh vực như tiếp tế nhiên liệu trên không, sử dụng máy bay không người lái để giám sát hiện trường, chia sẻ thông tin tình báo. Mục tiêu ngăn chặn khủng bố mà Pháp nêu bật để can thiệp vào Mali rất được Mỹ tán đồng. Phản ứng của Mỹ cho đến giờ này trước chiến dịch oanh kích của Pháp vào Mali rất kín đáo. Nhưng Washington đã thở phào nhẹ nhõm trước cuộc can thiệp quân sự của Pháp. Chính quyền Obama không thích các hành động đơn phương mà chủ trương phối hợp với cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Pháp về mặt hậu cần, trợ giúp trên mặt thông tin tình báo và cũng có thể cho sử dụng máy bay không người lái. Đối với Washington, trường hợp Mali là bản sao của Libya khi mà cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đóng vai trò quyết định, lãnh đạo chiến dịch can thiệp trong lúc Hoa Kỳ chỉ đi sau. Tổng thống François Hollande đã có hành động tương tự và ông đã được giới bảo thủ Mỹ ca ngợi, những người thường không mấy khi khen một nhân vật đảng Xã hội.

Mặc dù quân đội Mali, với sự hỗ trợ của quân đội Pháp đã chiếm lại được Konna, nhưng sự kiện này đặt ra vấn đề về khả năng hành động của quốc tế và đặc biệt là của Pháp trong việc hỗ trợ một quốc gia đồng minh bị khủng bố đe dọa. Đằng sau chiến dịch quân sự, Pháp muốn có một giải pháp chính trị cho Mali.

Cần phải đợi nhiều tháng nữa thì mới có thể tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp giữa các nước châu Phi. Trong khi chờ đợi, quân đội Pháp sẽ tiếp tục phối hợp với quân đội Mali và tham chiến. Thách thức đối với quân đội Pháp là rất lớn: Diện tích Mali rộng gấp đôi nước Pháp và 2/3 phía Bắc Mali là sa mạc.

Phương Trà

  (Theo AFP, WSJ)

 


Ý kiến của bạn