Malaysia chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất

30-05-2021 20:49 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kể từ khi bùng phát đại dịch, chưa bao giờ Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 lên tới hơn 9000 người mỗi ngày như hiện nay, số người tử vong theo ngày cũng chạm đỉnh mới. Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, TS. Noor Hisham Abdullah cảnh báo số ca COVID-19 tăng theo cấp số nhân, Malaysia phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Số ca mắc/triệu dân mỗi ngày  tại Malaysia đã vượt Ấn Độ

Liên tiếp trong gần 1 tuần qua, Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng  kỷ lục, đưa tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên hơn 550.000 ca. Đỉnh điểm 1 ngày có gần 100 người tử vong, tổng số người tử vong  do COVID-19 tại Malaysia lên 2650 người. Nếu cả năm 2020, Malaysia có 427 người tử vong do COVID-19, thì trong 5 tháng đầu năm 2021, nước này đã ghi nhận 2223 người tử vong. Trong đó riêng tháng 5/2021, Malaysia có hơn 1100 ca tử vong do COVID-19. Đến nay,  còn  tới 844 bệnh nhân phải được chăm sóc đặc biệt, hơn 400 người cần hỗ trợ hô hấp.

Số liệu theo tuần cho thấy, số ca mắc hàng ngày tính trên 1 triệu dân Malaysia đã vượt Ấn Độ. Theo Our World in Data, dân số của Malaysia chỉ có 32 triệu người, thấp hơn nhiều so với 1,4 tỷ dân của Ấn Độ, nhưng trung bình 7 ngày, cứ 1 triệu người Malaysia thì có 205,1 trường hợp mắc bệnh, trong khi Ấn Độ con số này chỉ là 150,4 người.  

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Bộ trưởng Y tế Malaysia, Tiến sĩ Adham Baba cho biết, qua phân tích giải trình tự gen các ca COVID-19 phát hiện tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur cho thấy, đó là  chủng B.1.617,  biến thể Ấn Độ, chủng đột biến kép khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh. Sau đó, Malaysia  đã  đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Ấn Độ, đồng thời các tàu và công dân Ấn Độ có giấy phép lao động của Malaysia cũng bị cấm nhập cảnh vào nước này.

Trong bối cảnh các ca nhiễm SARS –CoV-2 tăng lên mức kỷ lục, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã tuyên bố "đóng cửa trên toàn quốc” bắt đầu từ ngày 1/6, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà để phá vỡ chuỗi  lây nhiễm. Giai đoạn đầu tiên của đợt phong tỏa này  sẽ kéo dài từ ngày 1 – 14/6. Chỉ các lĩnh vực kinh tế và dịch vụ thiết yếu do Hội đồng An ninh Quốc gia cho phép  mới được hoạt động. Nếu giai đoạn này thu lại kết quả là làm giảm số ca lây nhiễm COVID-19, kế hoạch phong tỏa sẽ bước vào giai đoạn 2 gồm 4 tuần mở cửa hạn chế cho một số ngành kinh tế không đòi hỏi tập trung đông người. Tuy nhiên tất cả quyết định phải chờ xem diễn tiến dịch có được cải thiện hay không. 

Malaysia chuẩn bị cho một kịch bản xấu

Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, TS. Noor Hisham Abdullah cho biết, số ca nhiễm hàng ngày tại Malaysia “đang tăng theo cấp số nhân”. Điều này có thể làm bùng phát đại dịch và Malaysia phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2  gia tăng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia luôn đặt trong tình trạng căng thẳng. Văn phòng Thủ tướng cho biết, năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 của  Malaysia ngày càng trở nên hạn chế vì số ca nhiễm tăng chóng mặt. 

Đường phố Malaysia vắng vẻ vì các biện pháp phong tỏa

Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia cho rằng, số người phải chăm sóc đặc biệt (ICU) tại nước này đã lên tới 1200 người. Mặc dù Bộ Y tế Malaysia đã tăng công suất các giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVDI-19, trong 3 tuần đầu tháng 5 đã có thêm 439 giường ICU nhưng tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho điều trị COVID-19 vẫn vượt quá 100%. Đến nay số giường ICU dành cho bệnh nhân COVID-19 là 1114 giường, hầu như số giường chăm sóc đặc biệt cho các bệnh khác rất ít. “Một số bệnh nhân nặng phải điều trị tại các giường bệnh thông thường là điều có thể xảy ra. Với tình huống hơn 9000 ca mắc mỗi ngày, số bệnh nhân cần giường ICU dự báo sẽ tăng thêm”, ông Hisham nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Malaysia cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực y tế bởi trong bối cảnh đại dịch, lực lượng y tế đã được huy động để thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch. TS. Hisham lo ngại số ca COVID-19 tăng  vượt quá khả năng   điều trị của ngành y tế,  buộc bác sĩ phải đưa ra lựa chọn khó khăn là ưu tiên các giường  ICU  cho những bệnh nhân có tiên lượng cứu sống cao hơn. "Đây là hệ lụy mà không nhân viên  y tế nào  mong muốn, tuy nhiên  khi hệ thống y tế đạt công suất tối đa, chúng ta buộc phải có các lựa chọn. Hãy giúp chúng tôi để hệ thống y tế quốc gia không bị tê liệt hoàn toàn”, TS Hisham kêu gọi.

 


Nguyễn Anh
Ý kiến của bạn