Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman - Cục trưởng Cục Hàng không Malaysia cho rằng, máy bay mang số hiệu MH370 đã đi qua điểm Igari ở biển Đông và máy bay đã chính thức thuộc trách nhiệm của Quản lý bay Việt Nam.
Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman cũng cho rằng, Quản lý bay Việt Nam đã vi phạm giao thức liên hệ với chiếc máy bay mất tích MH370. Ông Abdul Rahman lý giải rằng, vào lúc 1h19 ngày 8-3, kiểm soát không lưu Kuala Lumpur đã ra lệnh cho MH 370 thay đổi tần số, phù hợp với tần số với kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến 1h38 ngày 8-3, tức là sau 17 phút chiếc MH370 biến mất khỏi màn hình radar, TP Hồ Chí Minh mới tìm cách liên hệ với chiếc máy bay này.
Ngay khi thông tin trên được báo chí Malaysia đăng tải, nhiều ý kiến đã phản đối. Trên trang cá nhân của mình, ông Lương Hoài Nam – từng nhiều năm làm việc trong ngành hàng không, cho rằng, đó là việc làm vô cùng khó hiểu: “Việc vội vàng giải tán các khu hỗ trợ thân nhân hành khách khi còn chưa tìm ra máy bay là một việc khó hiểu. Việc quy trách nhiệm cho Quản lý bay Việt Nam là một việc khó hiểu tiếp theo của Hàng không Malaysia. Trong vụ MH370, phía hàng không Malaysia lẽ ra “đã phải chuyên nghiệp hơn”".
Trong khi đó, dư luận Việt Nam cho rằng, việc Malaysia quy kết trách nhiệm cho phía Việt Nam nhằm giảm sức ép trước dư luận thế giới đang “đổ” dồn lên Hãng hàng không Malaysia, khiến cho uy tín củaa ngành hàng không nước này, cùng uy tín quốc gia suy giảm nặng nề trong gần 2 tháng qua, kể từ khi MH370 mất tích.
Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp, các thông tin liên quan đến việc MH370 mất tích thì mập mờ, thiếu căn cứ của phía Malaysia trong suốt thời gian qua, càng khiến dư luận không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới phải nghi ngờ. Không ít người bày tỏ quan ngại rằng, phía Malaysia dường như đang toan tính một việc gì trong việc MH370 mất tích và đặt câu hỏi: Tại sao sau gần hai tháng họ mới nói điều này? Và dù, những gì ông Abdul Rahman phát ngôn tại buổi họp báo tại Kuala Lumpur ngày hôm qua (2-5) có là đúng là sự thực, thì lẽ ra, phía Malaysia phải phát ngôn ngay sau thời điểm máy bay mất tích. Chính vì vậy, dư luận đánh giá, động thái này của Malaysia là một hành động thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính hợp tác, nếu như không muốn nói là "vô ơn" với Việt Nam.