Họa sĩ Mai Trung Thứ, "tứ kiệt trời Nam" và điều ít biết
Mai Trung Thứ (1906-1980) tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, một trong những họa sĩ đầu tiên đưa hội họa Việt Nam hội nhập với xu thế hiện đại. Ông cùng với Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu và Lê Phổ được mệnh danh là "Tứ kiệt trời Nam" của hội họa Việt Nam.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại nơi đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông được phát triển đến đỉnh cao. Trong thập niên 1930, cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp nơi ông định cư sau này. Trong khoảng thời gian 1950 – 1961, Mai Trung Thứ đã từng vẽ minh họa Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Có chi tiết ít người biết về danh họa Mai Trung Thứ. Đó là họa sĩ này tự tay làm khung cho các bức họa của mình. Phần khung tranh được làm kỳ công, với phong cách riêng đã giúp tôn lên giá trị của bức tranh. Ngày nay, phần khung tranh cũng là yếu tố giúp các nhà thẩm định xác định các bức tranh thật của họa sĩ, vì thế những tác phẩm của Mai Trung Thứ luôn có một giá cao khi đem ra đấu giá.
Thông tin từ Viện Pháp tại Việt Nam vừa cho biết, triển lãm cá nhân Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ diễn ra tại Bảo tàng Ursulines (Mâcon, Pháp) từ giữa tháng 7/2021 đã thu hút hơn 10.000 khán giả đến thưởng thức. Triển lãm đặc biệt này trưng bày 140 tác phẩm, tài liệu và hình ảnh tái hiện hành trình nghệ thuật của người họa sĩ theo trình tự thời gian.
Tạo tiếng vang lớn, Ban tổ chức triển lãm quyết định kéo dài thời gian Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ đến hết 2021.
Cũng trong dịp này, ngày 18/12, Viện Pháp tại Việt Nam công chiếu ký sự tài liệu "Mai Thứ: Hành trình trở lại Mâcon của một nghệ sĩ đa tài" theo hình thức online. Tác phẩm này do đạo diễn Elsa Gonzalez thực hiện, với phần lời bình của đạo diễn Mai Lan Phương và Tristan Le Brun.
Những bức tranh triệu đô của Mai Trung Thứ đều về phụ nữ Việt
Cùng với Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Lê Thị Lựu, Phạm Hậu…, họa sĩ Mai Trung Thứ là tác giả người Việt có nhiều bức tranh được đấu giá trên thị trường quốc tế với mức cao nhất lịch sử mỹ thuật nước nhà.
Trong năm 2021, ít nhất 3 tác phẩm của Mai Trung Thứ đã cán mốc triệu đô, đặc biệt các bức tranh đều được họa sĩ thực hiện về người phụ nữ. Tháng 4 năm nay, bức tranh Chân dung cô Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1930 đấu giá tại sự kiện Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong, đạt kỷ lục với giá 3,1 triệu USD. Tác phẩm Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) được Mai Trung Thứ thể hiện theo hình thức sơn dầu khổ lớn. Họa sĩ vẽ một cô gái trong trang phục áo dài cổ điển, tóc vấn khăn, đi guốc cao, lối vẽ giản dị chân phương.
"Đây là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ", nhà đấu giá tại Hong Kong, Trung Quốc đánh giá. Ở tác phẩm này, cách vẽ của Mai Trung Thứ mộc mạc, tạo hình cũng "hàn lâm" hơn so với cách vẽ biến ảo sau này đã tạo nên tên tuổi ông.
Chân dung cô Phương trở thành tác phẩm mỹ thuật được bán ở nước ngoài với giá cao nhất từ trước đến nay, vượt qua Cảnh ngôi chùa cổ ở miền bắc Việt Nam của họa sĩ Phạm Hậu (1,03 triệu USD); Thiếu nữ choàng khăn (1,112 triệu USD) và Chân dung tự họa trong rừng (1,052 triệu USD) của họa sĩ Lê Phổ, Vỡ mộng của Tô Ngọc Vân (hơn 1,1 triệu USD), Phong cảnh Phnom Penh (1,4 triệu USD) của họa sĩ Lê Quốc Lộc.
Tháng 11/2021, hai bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ cũng được bán đấu giá triệu đô. Đó là bức Phụ nữ đội nón lá bên sông do Mai Trung Thứ thực hiện năm 1937, được bán với giá 1,57 triệu USD. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam Nicolas Henni Trinh Duc nhận xét về tác phẩm: "Phụ nữ đội nón đứng bên bờ sông vào buổi trưa, chiếc áo dài màu xanh lá cây lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời như thể cô là nhân vật được tạc ra từ ngọc bích. Khuôn mặt cô gợi vẻ bí ẩn và được che bóng trong vành nón lá. Sự yên bình của khung cảnh được tạo nên bởi màu sắc hài hòa và biểu cảm ngọt ngào của người phụ nữ".
Trong khi đó, bức tranh Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt với chất liệu lụa từ năm 1943 của danh họa Mai Trung Thứ được bán với giá hơn 1 triệu USD trong phiên đấu giá của Bonhams. Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt là sự hòa quyện giữa thị giác và âm thanh một cách uyển chuyển, mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc thân thuộc được ghi lại trong không gian hình ảnh. Ngoài ra, họa sĩ Mai Trung Thứ đã sử dụng kỹ thuật tạo hình phương Tây để vẽ tác phẩm với 2 chủ thể chính (chính diện - quay lưng) để tạo sự cân bằng thị giác.
Chi tiết đáng chú ý trong bức tranh Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt là cuốn sách nhỏ màu đỏ đặt trên bàn, có tên là Ngọc Hoa, đây là nhân vật chính trong Phạm Tải - Ngọc Hoa, truyện thơ Nôm khuyết danh của Việt Nam thế kỷ XVIII.