Mai một trò chơi dân gian cho trẻ thời 4.0

17-09-2018 07:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời buổi công nghệ 4.0 đã ảnh hưởng đến các em nhỏ tiếp cận trò chơi dân gian giàu bản sắc văn hóa và có tính giáo dục cao. Trước kia, trẻ em nước ta từ thành thị đến nông thôn đều biết tới trò nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây... nhưng giờ đây game giải trí - điện tử, phim ảnh trên internet - truyền hình, điện thoại thông minh là những thứ gắn liến với đa số trẻ nhỏ.

Nhiều trò chơi dân gian giàu bản sắc văn hóa đã gắn liền với nhiều thế hệ người Việt và các trò chơi đến nay vẫn được gìn giữ phải kể đến: ô ăn quan, rồng rắn lên mây, nhảy dây, đánh đáo, đánh chuyền, thả đỉa ba ba, trốn tìm, kéo co... PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ, trò chơi dân gian không chỉ giúp tâm hồn trẻ trong sáng, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Các trò chơi dân gian ở nước ta thường đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc.

Người lớn, trẻ nhỏ chơi trò ô ăn quan tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội).

Người lớn, trẻ nhỏ chơi trò ô ăn quan tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội).

Điển hình như trò chơi nhảy dây với mục đích rèn luyện sức khỏe của đôi chân, giúp các em gắn kết đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Trò chơi bịt mắt bắt dê lại rèn luyện tính phán đoán, định hướng và nhanh nhẹn. Trò chơi oẳn tù tì rèn luyện sự nhanh nhẹn bên cạnh phản ứng linh hoạt. Tương tự, trò chơi rồng rắn lên mây vừa rèn luyện sự nhanh nhẹn còn là sự khéo léo, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời của người Việt thông qua những câu đồng dao. Trong khi đó, trò kéo co thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và mang tính đồng đội. Các trò chơi dân gian này đều dễ chơi, đa số đều kèm theo một bài hát đồng dao hay một bài vè ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc. Ngoài ra, chỉ cần cái gậy, hòn đá, hòn bi,... là có thể giúp các em nhỏ có được những trò chơi kể trên ở mọi nơi mọi lúc.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, trước sự bùng nổ của quá trình đô thị hóa, khoa học công nghệ không ngừng phát triển đã tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trò chơi dân gian của các em nhỏ. Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu văn hóa quốc tế, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và sự du nhập của công nghệ, đặc biệt là các trò chơi điện tử, giới trẻ ngày nay thiếu chỗ chơi, thiếu các giá trị tinh thần cũng như giá trị văn hóa sinh động đã dần bị mai một. Thực tế chỉ ra rằng, các trò chơi dân gian như chơi chuyền, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, ô ăn quan, nu na nu nống, kéo cưa lừa xẻ, bịt mắt bắt dê… nhiều năm qua trở nên xa lạ, thậm chí không còn được nhiều em nhỏ từ thành thị đến nông thôn biết đến. Thay vào đó, các em nhỏ bị cuốn vào những trò giải trí hiện đại như game, các cuộc thi ca hát, giải trí trên sóng truyền hình... mà hại nhiều hơn lợi.

Việc dành nhiều thời gian vào những trò chơi điện tử, sân chơi giải trí thời hiện đại đã “cướp” đi thời gian cho các hoạt động vui chơi khác của các em. Khi trẻ tiếp xúc nhiều với đồ chơi công nghệ, mải miết chạy theo những cuộc ăn thua trong các cuộc thi tài năng như Giọng hát Việt nhí, Siêu nhí tranh tài, Thử tài siêu nhí... thời gian qua, dù vô tình hay hữu ý cũng dẫn đến việc hình thành thói quen, tác động không tốt đến trẻ nhỏ khi nhiều em nhỏ tự cô lập mình trong thế giới của công nghệ hoặc nguy hại hơn các em mắc bệnh ngôi sao, ảo tưởng về tài năng. Nguy hiểm hơn, không ít em nhỏ chơi game còn coi mình là một nhân vật của trò chơi đó nên các em không làm chủ được bản thân dẫn tới đánh nhau trong trường, xúc phạm thầy cô, bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành băng nhóm... làm xã hội không khỏi lo lắng.

Trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng trò chơi dân gian của trẻ em đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, không ít ý kiến cho rằng, các địa phương, nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những sân chơi, trò chơi dân gian cho các em nhỏ. Bởi điều này vừa giúp lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần phát triển, tránh nguy cơ mai một và đặc biệt giúp thế hệ trẻ có thêm không gian, thời gian tiếp cận với những giá trị văn hóa ý nghĩa của dân tộc.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn