Có thể nói, người cao tuổi là thành phần thiệt thòi nhất trong bối cảnh chương trình, gameshow giải trí truyền hình bùng nổ ở nước ta. Các sân chơi giải trí hầu hết đều dành cho giới trẻ, với đủ thể loại như: Giọng hát Việt, Việt Nam Next top Model, Gương mặt thân quen, ... Tuy nhiên mới đây, chương trình Mãi mãi thanh xuân được mở ra, hướng về những người từ 60 tuổi trở lên được đánh giá là “liều thuốc quý” cho người cao tuổi. Mãi mãi thanh xuân là chương trình duy nhất dành cho những thí sinh từ 60 trở lên có tài năng trong các lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, hài kịch, nhạc kịch, chơi nhạc cụ, ngoại ngữ, ảo thuật, xiếc hoặc bất kỳ một tài năng, sở trường đặc biệt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề... Mỗi tập phát sóng, mỗi thí sinh có 1 video clip 30 giây và Ban bình luận sẽ đoán xem tài năng thật sự của các thí sinh là gì. Sau đó Ban bình luận đưa ra kết quả, thí sinh bước ra sân khấu trình diễn tài năng thật sự của mình.
Thí sinh Nguyễn Kim Hạnh (75 tuổi) làm những món đồ chơi dân gian trong chương trình Mãi mãi thanh xuân.
Trải qua 3 tập vừa được phát sóng, khán giả đã được thưởng thức và biết đến tài năng, câu chuyện xúc động từ các thí sinh tham gia vốn dĩ ai cũng đã lên ông, lên bà. Đó là phần trình diễn kèn Saxophone với giai điệu dịu dàng, êm tai của ông Trần Vũ Quang đã ở tuổi 60. Tiếng kèn Saxophone của ông Quang chẳng thua kém gì một nhạc công chuyên nghiệp, không có dấu hiệu của tuổi tác hay non kém về chuyên môn. Phần trình diễn của ông Quang còn có sự xuất hiện của người bạn đời và đôi vợ chồng già chia sẻ những tình cảm ngọt ngào, sự thủy chung son sắt ngay trên sân khấu khiến nhiều khán giả thích thú, yêu mến.
Trong khi đó, câu chuyện của “ông già chocolate” Bùi Durassamy (68 tuổi) ở Mãi mãi thanh xuân làm nhiều người xem cảm động. Từ Canada về Việt Nam nghỉ hưu, thấy người dân trồng cây ca cao mà không bán được, ông Bùi Durassamy nghĩ ra công nghệ làm chocolate thỏi dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Không những thế, ông Bùi Durassamy còn kết hợp với gừng, hạt điều để làm ra sản phẩm chocolate khác biệt. Đằng sau thành công ấy là những giọt nước mắt của ông Bùi Durassamy khi cho biết gia đình nhỏ của ông đang sống tại Canada, nhưng với quê hương Việt Nam, ông chọn ở lại đây để làm phần việc của mình. Qua đó khán giả thấy ông Bùi Durassamy có một tình yêu quê hương đất nước tha thiết, sự nhiệt huyết, chân thành không phải ai cũng có.
Phần trình diễn của thí sinh Võ Văn Vân (62 tuổi) lại khiến nhiều người kinh ngạc và ngưỡng mộ. Bởi đã qua tuổi lục tuần, ông Vân có thân hình cường tráng, “cuồn cuộn cơ bắp”. Tại Mãi mãi thanh xuân, ông Vân lần lượt biểu diễn các động tác thể hình gồm hít đất, đu xà, gập bụng và nâng tạ trong vòng 2 phút mà không hề hấn gì. Có được sức khỏe, thể hình cường tráng, không mắc các bệnh tuổi già,… ông Vân chia sẻ đã đi tập thể hình từ 10 năm trước.
Ở Mãi mãi thanh xuân, hình ảnh ông Nguyễn Kim Hạnh (75 tuổi) với đôi bàn tay khéo léo làm nên những món đồ chơi dân gian vô cùng tỉ mỉ và thuần thục cũng gây ấn tượng mạnh với người xem. Đặc biệt, câu chuyện về ông Hạnh chạm đến trái tim khán giả bởi ông đã từng học qua hai ngoại ngữ Anh và Pháp, học xong đại học đi làm được 3 năm thì đột ngột mắc bệnh teo cơ nên ông phải nghỉ việc. Tuy hoàn cảnh khi đó vô cùng khó khăn nhưng ông luôn nỗ lực và cố gắng làm rất nhiều việc để mưu sinh, trong đó có nghề làm đồ chơi dân gian. Đến nay ông đã có một gia đình hạnh phúc bên vợ và 5 người con cùng những đứa cháu ngoan ngoãn, dễ thương...
Nhẹ nhõm trước những phần trình diễn không đặt nặng thắng thua, ở Mãi mãi thanh xuân đã truyền đi thái độ sống tích cực, lan tỏa nghị lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của mỗi thí sinh. Và thông điệp ý nghĩa của sân chơi giải trí này đã được thể hiện, đó là sống khỏe - sống vui và có ích cho xã hội.