Hà Nội

Mại dâm - Nên cấm hay quản?

16-07-2013 10:00 | Xã hội
google news

Sau chuyện lình xình có hay không hoạt động mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) khiến báo chí tốn không ít giấy mực, dư luận đã thấy đây là một vấn đề xã hội cần phải được giải quyết triệt để.

Sau chuyện lình xình có hay không hoạt động mại dâm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) khiến báo chí tốn không ít giấy mực, dư luận đã thấy đây là một vấn đề xã hội cần phải được giải quyết triệt để. Nhưng giải quyết thế nào lại có ý kiến nhiều chiều khác nhau và hiện tượng này cần được nhìn từ nhiều phía.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần triệt phá để nạn mại dâm không thể tồn tại trên đất nước tươi đẹp của chúng ta. Mại dâm không phải là một nghề mà là thứ tệ nạn xã hội làm băng hoại đạo đức, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Chính tệ nạn này đẻ ra lớp người như chủ chứa, bảo kê thu lợi bất chính trên thân xác phụ nữ, rồi bệnh tật tràn lan, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, phá hoại truyền thống chung thủy trong đời sống xã hội.

Luồng ý kiến thứ hai cũng nhận thức như trên song khác ở cách chống khi có thêm nhận thức rằng mại dâm không chỉ có ở nước ta mà xuất hiện tại mọi quốc gia trên thế giới. Đó là một hiện tượng khó triệt tiêu và để khắc phục những tệ nạn đi kèm theo mại dâm, tốt nhất là quản lý mại dâm như một nghề có điều kiện để thu được thuế, bảo đảm thăm khám sức khỏe, trật tự an ninh khi các cơ sở hành nghề được giám sát thường xuyên, chặt chẽ thay vì mại dâm hoạt động chui lủi để các cơ quan chức năng phải như đi bắt như bắt cóc bỏ đĩa hiện nay.

Mại dâm - Nên cấm hay quản? 1
 Có nên coi hoạt động mại dâm là một nghề để quản lý?

Vấn đề ở đây là cho tồn tại hay không tồn tại chuyện mại dâm

Phía “không cho tồn tại” đặt câu hỏi có bà vợ và con cháu nào đồng ý cho chồng, cha đi mua dâm nhưng phía “cho tồn tại” lại chỉ ra cuộc sống có những người cần giải quyết sinh lý và “cho tồn tại” là nhân đạo. Đó là những người vì lý do nào đấy chưa thể lấy vợ nhưng sinh lý của con người đòi hỏi, hoặc vợ ly hôn, vợ chết và họ không muốn thêm một lần lên xe hoa để an phận tập trung lo cho con cái. Phía “không cho tồn tại” đố ông nào ở phía “cho tồn tại” đồng ý vợ con mình đi làm gái mại dâm để khẳng định việc cho tồn tại chỉ là lý thuyết, có phần thương cảm giả. Phía “cho tồn tại” lại dẫn ra rằng, không gia đình nào muốn người trong nhà đi đánh bạc chẳng hạn nhưng nạn cờ bạc vẫn tồn tại khiến công ty xổ số phải có thêm hình thức lô tô ăn theo giải đặc biệt như giới lô đề vẫn làm. Đã có đề nghị chuyện cá độ bóng đá cũng tổ chức công khai, có quản lý để hút những đệ tử đỏ đen ném tiền vào hoạt động có quản lý này thay vì đổ vào những ổ nhóm phi pháp, thậm chí đổ tiền ra nước ngoài. Chọn nghề nào, việc nào phụ thuộc vào năng lực, điều kiện từng người. Chuyện mại dâm cũng vậy, có cầu thì có cung. Thực tế, cuộc sống ai cũng mong được học hành, vào đại học chứ không ai thích đi bới rác, đánh giầy, nhưng đánh giá bản thân, họ chấp nhận sự chọn lựa thấp. Mại dâm cũng thế này chăng?

Mại dâm hiện nay chưa được xã hội công nhận như một nghề và coi như tệ nạn xã hội như đã nói trên. Là tệ nạn nên cấp Bộ có Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cấp Sở có Chi cục. Công an các tỉnh thành cũng có các đội chống tệ nạn xã hội nằm trong các phòng cảnh sát hình sự và công an các phường, xã cũng đều quan tâm tới vấn nạn này.Vì hoạt động mại dâm không công khai, lén lút nên bộ máy chống mại dâm khá lớn với chi phí từ ngân sách bỏ ra không nhỏ. Thế nhưng hiệu quả chống thật khiêm tốn. Nói thẳng ra, những địa bàn có hiện tượng mại dâm “nổi tiếng” không phải chính quyền sở tại không biết. Biết nhưng hiện tượng vẫn tồn tại dài dài liệu có sự “thông cảm”, tắc trách và dù lý do gì thì cán bộ quản lý địa bàn bỗng thành kẻ nói dối với lý do không nghiêm trọng, không bắt quả tang được hoặc lực lượng mỏng. Vì không công khai, hoạt động có tính chất bí mật nên dễ gây tiêu cực trong chính đội ngũ phòng chống khi “cho qua”, cố tình không biết để nhận sự “thông cảm”. Và vì không công khai, minh bạch một hoạt động đáp ứng nhu cầu có thật trong đời sống nên hoạt động mại dâm xuất hiện những kẻ bảo kê, chủ chứa bóc lột chính thân xác những cô gái bán dâm. Đã có nhiều vụ đâm chém, tranh giành “hàng” của những lực lượng ngầm quanh hiện tượng này gây mất an ninh trật tự. Vì không công khai nên sức khỏe gái bán dâm không được kiểm tra định kỳ có thể là nguồn lây bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài quan niệm cho tồn tại hay không dịch vụ mại dâm cũng đã có bao vấn đề gây tranh cãi như giáo dục giới tính trong trường phổ thông là cần thiết hay vẽ đường cho hươu chạy hoặc có nên tổ chức các hình thức vui chơi có thưởng như cược bóng đá, xổ số lô tô cũng giống như các tệ nạn cờ bạc về hình thức. Hoặc vấn đề đồng tính là bệnh, là cơ địa tạo ra hay là vấn đề đạo đức, là tệ nạn xã hội. Những vấn đề trên đã được giải quyết rõ ràng trên thực tế và trong cả tâm lý cộng đồng. Vậy hiện tượng mại dâm có nên coi là một nghề và được quản lý, cấp phép được tổ chức thành khu vực riêng?

Bản thân người viết bài này thật tâm không muốn trong xã hội có hiện tượng mại dâm cũng như cờ bạc, đồng tính, “nhà nghỉ”, trẻ yêu sớm... nhưng khách quan nhìn nhận thì quả là khó có thể triệt tiêu. Những kêu gọi đạo đức, thuần phong mỹ tục, giá trị của lao động... theo quan niệm của luồng ý kiến “không cho tồn tại” sẽ không khả thi bởi thu nhập thực tế của gái bán dâm trong một tháng dù đã bị bóc lột cũng có thể bằng thu nhập cả năm hoặc hơn thế nhiều khi làm ruộng hay làm công việc khác.

Thiết nghĩ, mại dâm khi không quản được cần tập trung quản lý công khai theo khu vực. Những hoạt động trái phép, ngoài khu vực quy định cần được xử lý. Chúng ta đã có những vấn đề trong xã hội mà “không quản được thì cấm”, và hiện tượng mại dâm không chỉ có ở ta mà có khắp mọi nước do nhu cầu của một bộ phận dân chúng có nên “không cấm được thì quản”?

LÊ QUÝ HIỀN


Ý kiến của bạn