Tôi đến với bơi thuyền theo lời khuyên của thầy dạy thể dục trường tiểu học tại thị trấn quê hương Gorzow Wielkopolski. Năm ấy tôi 15 tuổi, đang học lớp 8. Trước đó tôi đã tham gia những bộ môn “thể thao nhà quê”, tức bóng đá, trèo cây và thu hoạch củ cải đường. Vậy nên tôi có nền tảng thể lực viên mãn. Với bơi thuyền, tôi rất thích tính đa năng trong huấn luyện - một số giai đoạn đòi hỏi khá nhiều thời gian tập bơi và tập thể hình, các bộ môn thể thao tập thể, trượt tuyết đường trường và đua xe đạp. Nhìn chung các bài tập hỗ trợ nặng không kém công đoạn luyện bơi thuyền. Bởi muốn giành thành tích như ý, VĐV đua thuyền bắt buộc phải có thể lực hoàn thiện.
Quên bệnh nhờ tập luyện
Mùa xuân 2003, kết quả xét nghiệm máu định kỳ của tôi cho kết quả, độ đường máu cao hơn chỉ số cho phép. Tôi vẫn hoàn toàn vô tư, trong khi lẽ ra cần phải quan tâm, bởi ngay tháng 6 cùng năm, xét nghiệm máu lần 2 đã cho kết quả cực xấu. Bác sĩ chẩn đoán: tiểu đường type 1. Quá sốc! Trước đó tôi vẫn nghĩ, tiểu đường type 1 là bệnh chỉ tấn công những người béo phì, thừa cân và lười vận động. Sự thật, tôi không có khái niệm về bệnh tiểu đường và không hề biết sự khác nhau giữa tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.
Bây giờ sau hơn chục năm có lẻ, tôi nhận ra, những phiền toái trước đây của tôi với nỗ lực duy trì cân nặng, hiện tượng giảm cân bất thường và cuối cùng, tình trạng mệt mỏi quanh năm, cảm giác thèm ngủ, ngủ gật sau mỗi giờ tập luyện và khát nước nhiều, đã là triệu chứng bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên các giáo trình tập luyện cường độ cao với tần suất thậm chí 2-3 lần/ngày và 6-7 tháng xa nhà theo các đợt tập huấn, thi đấu… đã khiến tôi lãng quên bệnh của mình.
Michal Jelinski trên chiếc thuyền kayak đoạt huy chương vàng Olympic Bắc Kinh 2008
Bài học đầu tiên
Chuyện diễn ra theo thời gian - thoạt đầu kết quả xét nghiệm máu đáng lo ngại, ngay trước giải Vô địch Thế giới dành cho VĐV trẻ và kết quả chẩn đoán tiểu đường 2 ngày sau giải. Tôi được bác sĩ chăm sóc đội tuyển trao đường kế (thiết bị tự kiểm tra độ đường máu) và liều insulin đầu tiên chích vào bụng. Bác sĩ khuyên, phải hết sức chú ý, nhưng tôi cảm thấy bình thường, nên quyết định tham dự chương trình tập luyện cùng toàn đội. Tuy nhiên tôi buộc phải sớm kết thúc buổi tập vì… tụt đường huyết. Tôi hiểu ra rằng, cần phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe.
Làm chủ bệnh quái đản
Olympic 2008 Bắc Kinh đã đến gần. Tôi phải chứng minh với lãnh đạo Tuyển quốc gia, bệnh tiểu đường không cản trở tôi trong nỗ lực chuẩn bị và tham gia đua tài. Thành tích thể thao không dựa vào tình cảm và không có chế độ ưu đãi. Tôi sẽ bị loại, nếu không có phong độ đỉnh cao.
Tôi bắt đầu thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn tự giám sát sức khỏe của bác sĩ chăm sóc đội tuyển - hàng ngày kiểm tra đường máu, tự chích liều insulin (trường hợp cần thiết), khi nào yêu cầu bộ phận hậu cần cung cấp món ăn tăng đường huyết, khi nào gọi bác sĩ cấp cứu… Việc tổ chức tập luyện cũng thay đổi. Song thời lượng và cường độ tập luyện không đổi.
Sống khỏe với bệnh tiểu đường
Trở về quê hương sau Olympic Bắc Kinh với tấm Huy chương Vàng Bộ môn Thuyền kayak cá nhân, tôi nhận được đầy ắp hộp thư email và thư thoại từ các bậc phụ huynh có con mắc bệnh tiểu đường type 1. Tôi hồi hộp đọc và nghe: “ Đã 2 tuần/3 tháng/đầy năm tôi biết con trai/con gái tôi mắc bệnh tiểu đường. Tôi cảm ơn tấm huy chương và niềm hy vọng. Cảm ơn, bằng thực tế, anh đã chứng minh, dù mắc bệnh tiểu đường, con tôi có thể duy trì cuộc sống bình thường”.
Hăng say hoạt động xã hội
Từ lâu tôi đã có nhu cầu hoạt động xã hội. Ngay năm 2005 tôi đã cộng tác tích cực với tạp chí “Diabetyk” (Người mắc bệnh tiểu đường) và bắt đầu khám phá thế giới tiểu đường. Tôi gặp gỡ khá nhiều người vì lý do mắc bệnh cảm thấy tự ti, trở nên cô đơn hoặc tự mình rút khỏi cuộc sống bình thường. Tôi muốn làm việc gì đó khả dĩ giúp họ thay đổi lối sống, giúp họ yêu đời. Sau Olympic 2008, tôi nhận ra, tôi còn có thể giúp trẻ vị thành niên không may mắc tiểu đường. Với trẻ thơ, tiếng nói của tôi còn có trọng lượng lớn hơn.
Và tôi trở thành thành viên chủ chốt của “Hiệp hội Thể thao yêu Cuộc sống”, tổ chức quảng bá lối sống tích cực. Sau đó tôi thành lập Quỹ “ACTIVE diabet” với hàng loạt chương trình gặp gỡ trẻ em và thanh thiếu niên - bệnh nhân tiểu đường. Cùng các chuyên gia, chúng tôi đi khắp Ba Lan để nói về việc thể thao mang lại nhiều lợi ích thế nào với người mắc bệnh tiểu đường, thế nào là dinh dưỡng và sống lành mạnh…